Ung thư vòm hầu còn gọi là ung thư biểu mô vòm hầu (NPC) phát sinh từ các tế bào vòm hầu (phần cao nhất của hầu họng, ngay phía sau mũi). Đây là bệnh ung thư chiếm tỷ lệ cao nhất và đáng nghi ngại nhất trong các loại ung thư vùng đầu mặt cổ và đứng thứ 4 trong nhóm 6 loại ung thư phổ biến nhất ở Việt Nam, chiếm tỷ lệ 10 – 12%. Phần lớn (trên 90%) liên quan đến virus Epstein-Barr (EBV). Tuổi thường gặp từ 40 – 60 tuổi chiếm trên 50%. Nam thường gặp hơn nữ với tỷ lệ 3/1.
DẤU HIỆU VÀ TRIỆU CHỨNG
Giai đoạn đầu thường không rõ ràng, dễ nhầm lẫn với các bệnh lý tai mũi họng. Bệnh nhân có thể bị đau đầu, ngạt mũi thoáng qua, đôi khi xuất hiện hạch nhỏ ở cổ nhưng không đau.
Sau vài tháng kể từ khi có triệu chứng đầu tiên, người bệnh có thể xuất hiện một số triệu chứng như:
– Nổi hạch cổ.
– Ngạt mũi, chảy máu mũi, hay xì ra nhầy mũi lẫn máu.
– Đau đầu, thường là nhức nửa đầu, âm ỉ cả ngày.
– Ù tai, mất nghe một bên do u làm tắc vòi Eustachio, thường xuyên nhiễm trùng tai.
– Khó thở hoặc khó nói.
– Giảm hoặc mất thị lực, sụp mi, nhìn đôi.
– Có máu trong nước bọt, khó nuốt.
PHÁT HIỆN UNG THƯ VÒM HẦU NHƯ THẾ NÀO?
Để chẩn đoán ung thư vòm hầu, bác sĩ có thể thực hiện một số can thiệp y tế:
– Khám sức khoẻ tổng quát để kiểm tra các dấu hiệu của bệnh và trao đổi về bệnh sử trước đây của người bệnh.
– Soi vòm họng, siêu âm hạch cổ.
– Xét nghiệm phát hiện EBV huyết tương bằng kỹ thuật Real-time PCR.
– Chụp X-quang, CT, MRI, chụp cắt lớp phát xạ positron (PET).
– Sinh thiết: Bác sĩ lấy mẫu mô nhỏ khi nội soi mũi và xem các tế bào hoặc mô dưới kính hiển vi nhằm phát hiện các dấu hiệu ung thư vòm hầu.
NGUYÊN NHÂN
– Môi trường sống, làm việc có nhiều khói bụi, hoá chất, tia phóng xạ.
– Sử dụng nhiều thực phẩm lên men như đồ muối chua.
– Sử dụng nhiều bia, rượu, thuốc lá và chất kích thích.
– Tiền sử gia đình có người mắc ung thư vòm hầu.
TIÊN LƯỢNG VÀ DỰ PHÒNG
Tiên lượng bệnh phụ thuộc rất lớn vào giai đoạn bệnh khi được phát hiện. Ở giai đoạn I và II, tỷ lệ sống trên 5 năm sau điều trị có thể lên tới 80 – 90%, nhiều trường hợp có thể khỏi hẳn. Với ung thư vòm hầu ở giai đoạn III, tỷ lệ sống trên 5 năm chỉ khoảng 30 – 40% và giai đoạn muộn chỉ còn 15%. Ở nước ta, hầu hết 90 – 97% bệnh nhân phát hiện bệnh ở giai đoạn III và IV, gây ra nhiều khó khăn trong điều trị.
Các dấu hiệu ung thư vòm hầu rất ít biểu hiện ra ngoài ở giai đoạn đầu (giai đoạn I, II), chính vì vậy, tầm soát bệnh định kỳ sẽ giúp phát hiện sớm các nguy cơ, dấu hiệu tiềm ẩn có thể dẫn đến ung thư vòm hầu. Từ đó, có thể can thiệp kịp thời từ giai đoạn sớm nhất nhằm tăng khả năng điều trị bệnh thành công. Vì vậy, mỗi người nên tự chủ động phòng bệnh bằng cách:
– Không hút thuốc lá, hạn chế bia rượu, chất kích thích.
– Điều trị tích cực các bệnh viêm nhiễm ở đường mũi.
– Khám chuyên khoa Tai Mũi Họng khi có các biểu hiện bất thường.
– Tập luyện thể dục, ăn uống điều độ.
– Không ăn thức ăn mặn, thức ăn lên men.
– Không ăn đồ ăn quá nóng hoặc quá lạnh.
LƯU Ý Ở BỆNH NHÂN UNG THƯ VÒM HẦU GIAI ĐOẠN ĐẦU
– Tuyệt đối không hút thuốc, uống bia, rượu và các chất kích thích khác.
– Không sử dụng thực phẩm quá mặn, không hợp vệ sinh.
– Không sử dụng thức ăn, nước uống quá nóng hoặc quá lạnh.
– Tăng cường tập luyện thể dục, ăn thực phẩm mềm, dễ nuốt tránh để trầy xước niêm mạc họng.
– Bổ sung vitamin C.
– Tránh cảm lạnh, viêm họng, làm cơ thể suy nhược, mất đi sức đề kháng.
– Sử dụng bảo hộ lao động và khẩu trang khi tiếp xúc với khói bụi hoặc hoá chất độc hại.