Ung thư vú là loại ung thư phổ biến nhất ở phụ nữ trên toàn thế giới, và chụp nhũ ảnh vẫn là phương pháp tầm soát chính giúp phát hiện ung thư vú ở giai đoạn sớm và làm giảm tỉ lệ tử vong. Tuy nhiên, với sự phát triển của công nghệ, ngày nay có các phương pháp chụp nhũ ảnh 2D và 3D, câu hỏi đặt ra liệu chụp nhũ ảnh 2D và 3D chúng ta nên lựa chọn phương pháp nào để tối ưu hoá khả năng phát hiện bệnh?
Chụp nhũ ảnh là gì?
Là phương pháp chụp x-quang tuyến vú để phát hiện và chẩn đoán ung thư vú, quá trình phát triển trải qua nhiều giai đoạn:
- Bắt đầu từ năm 1931 Bác sĩ Albert Salomon (Đức) lần đầu tiên nghiên cứu hình ảnh X-quang tuyến vú để phân biệt mô lành và ung thư.
- Đến 1950s: Tiến sĩ Raul Leborgne (Uruguay) giới thiệu kỹ thuật nén vú để cải thiện chất lượng hình ảnh.
- 1960s: Tiến sĩ Robert Egan (Mỹ) phát triển kỹ thuật chụp nhũ ảnh bằng phim X-quang tiêu chuẩn hóa, giúp phát hiện sớm ung thư vú.
- 1970s: Các máy chụp nhũ ảnh chuyên dụng ra đời, sử dụng liều tia X thấp hơn nhưng vẫn đảm bảo độ phân giải cao.
- 1980s: Chụp nhũ ảnh trở thành công cụ chính trong tầm soát ung thư vú, với nhiều chương trình tầm soát trên thế giới được triển khai.
- 1990s: Phim chụp nhũ ảnh kỹ thuật số (digital mammography – FFDM) xuất hiện, cho phép xử lý hình ảnh trên máy tính, cải thiện khả năng phát hiện tổn thương.
- 2000s: Kỹ thuật chụp nhũ ảnh 3D (digital breast tomosynthesis – DBT) bắt đầu được nghiên cứu và phát triển nhằm khắc phục nhược điểm của chụp nhũ ảnh 2D (chồng lấp mô tuyến vú, bỏ sót tổn thương nhỏ).
- 2011: FDA (Cơ quan Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ) phê duyệt hệ thống chụp nhũ ảnh 3D đầu tiên (Hologic Selenia Dimensions), mở ra kỷ nguyên mới cho chẩn đoán ung thư vú.
- 2010s – nay: Nhiều nghiên cứu chứng minh nhũ ảnh 3D có độ nhạy cao hơn so với chụp nhũ ảnh 2D, giảm tỉ lệ dương tính giả và tăng khả năng phát hiện ung thư ở phụ nữ có mô vú dày.
So sánh nhũ ảnh 2D và 3D trong tầm soát
Nhũ ảnh 2D là kỹ thuật x-quang vú tiêu chuẩn, giúp phát hiện vi vôi hoá, khối u hoặc bất thường trong mô vú. Được sử dụng rộng rãi, có dữ liệu dài hạn về hiệu quả tầm soát, thực hiện nhanh chóng, chi phí thấp, và phù hợp với phụ nữ có mô vú không dày. Tuy nhiên, có hiện tượng chồng lấp mô có thể che khuất tổn thương đặc biệt ở mô vú dày, tỉ lệ dương tính giả cao có thể dẫn đến những can thiệp sinh thiết không cần thiết.
Nhũ ảnh 3D được FDA phê duyệt từ năm 2011, có ưu điểm cải thiện khả năng phát hiện ung thư vú so với nhũ ảnh, đặc biệt ở phụ nữ có mô vú dày, giảm tỉ lệ dương tính giả từ đó giảm sinh thiết không cần thiết, giúp cải thiện khả năng phân biệt lành và ác. Tuy nhiên, chi phí của nhũ ảnh 3D cao hơn, không phải cơ sở y tế nào cũng trang bị được, thời gian chụp lâu hơn, tia X cao hơn (nhưng vẫn trong giới hạn an toàn cho phép).
Nên chọn nhũ ảnh loại nào? Khi nào?
Nhũ ảnh 2D: khi chi phí còn hạn hẹp, hoặc khả năng tiếp cận 3D còn hạn chế; hoặc phụ nữ có nguy cơ trung bình hoặc mô vú không dày; khi thực hiện tầm soát quy mô lớn thì ưu tiên nhũ ảnh 2D để tối ưu hoá tài nguyên (và đã có bang chứng khoa học chứng minh).
Nhũ ảnh 3D: khi phụ nữ có mô vú dày; phụ nữ có nguy cơ cao (trong gia đình có người thân bị ung thư vú, có đột biến BRCA1/2); hoặc có tổn thương nghi ngờ trên nhũ ảnh 2D; và cơ sở có trang bị máy chụp nhũ ảnh 3D.
Hiện tại chưa có nghiên cứu quy mô lớn nào xác nhận chụp nhũ ảnh 3D trực tiếp làm giảm tỉ lệ tử vong do ung thư vú. Tuy nhiên có nhiều nghiên cứu đã chỉ ra rằng: nhũ ảnh 3D cải thiện khả năng phát hiện ung thư vú và giảm tỉ lệ dương tính giả.
Vì vậy việc lựa chọn nhũ ảnh 2D hay 3D tuỳ thuộc vào nhiều yếu tố, việc lựa chọn nên được cá thể hoá dựa trên đặc điểm của từng người, cân nhắc giữa nguy cơ và lợi ích mà bác sĩ chuyên khoa sẽ tư vấn phù hợp.
Bác sĩ chuyên khoa II Nguyễn Thị Minh Chí