TỰ HÀO VỚI CÔNG VIỆC THẦM LẶNG

Nhắc đến nhân viên y tế làm việc tại bệnh viện, người ta thường nghĩ ngay đến bác sĩ, điều dưỡng hay hộ lý – những người trực tiếp khám, điều trị và chăm sóc sức khỏe bệnh nhân. Nhưng phía sau sự thành công của mỗi ca bệnh là những hy sinh, đóng góp thầm lặng của đội ngũ bác sĩ, kỹ thuật y của khoa Xét nghiệm – truyền máu, những người “đứng sau ánh đèn sâu khấu”

Gắn bó với bệnh viện hơn 10 năm, chị Huỳnh Lê Ánh Thu, Kỹ thuật y (KTY), Khoa Xét nghiệm – Truyền máu, người phụ trách Đơn vị Truyền máu luôn trong tâm thế sẵn sàng ứng phó với những tình huống khẩn cấp, đồng thời, bảo đảm đủ nguồn máu, chế phẩm máu phục vụ nhu cầu điều trị bệnh nhân ung thư mỗi ngày.

Kỹ thuật y Huỳnh Lê Ánh Thu vinh dự được nhận giải thưởng “Tỏa sáng Blouse trắng” năm 2024

10 năm chuẩn bị cho chặng đường Ghép tế bào gốc

Cơ duyên sắp đặt khi 2 người thầy chuyên ngành huyết học mà chị ngưỡng mộ tại trường ĐH Y dược Huế lại trở thành lãnh đạo trực tiếp của chị tại Bệnh viện là PGS-TS Nguyễn Hữu Toàn và Bác sĩ CKII Phan Vĩnh Sinh. Năm 2011 – chị Ánh Thu được cử đi đào tạo tại Trung tâm Huyết học – Truyền máu thành phố Hồ Chí Minh. Từ đó, chị dần chuẩn bị hành trang cho mình để chính thức thực hiện ca ghép tế bào gốc tự thân (TBGTT) đầu tiên năm 2022 tại Bệnh viện.

Không chỉ áp lực vì trực tiếp làm một kỹ thuật mới lần đầu tiên áp dụng tại Đà Nẵng mà trong 3 ca bệnh thực hiện ghép TBGTT tại Bệnh viện có 1 trường hợp là phụ huynh của đồng nghiệp đang công tác tại 1 cơ sở y tế khác, điều này làm chị càng áp lực nhiều hơn.

Đáng nhớ hơn nữa là bệnh nhân này có số lượng TBG ra máu ngoại vi không cao như mong đợi do khả năng đáp ứng thuốc của bệnh nhân. Chị Ánh Thu cùng các cộng sự đã phải tiến hành thu gom trong 3 ngày liên tục, với thời lượng trung bình mỗi lần tách là 4 giờ 45 phút. Trong khoảng thời gian này chị cùng ekip theo sát, nói chuyện,… để tạo cảm giác thoải mái hoàn toàn cho bệnh nhân và cả người nhà bệnh nhân. Cả ekip chỉ thật sự thở phào khi số lượng TBG ở lần tách thứ 3 đã đủ, hoàn thành được giai đoạn, tách tiến hành cho bệnh nhân vào khu ghép.

Chị Ánh Thu luôn theo sát bệnh nhân trong suốt quá trình gạn tách tế bào gốc, không chỉ thực hiện chuyên môn mà còn giải tỏa tâm lý lo lắng cho bệnh nhân

Niềm hạnh phúc nhất của chị là trong dịp Tết 2024 – đồng nghiệp là con gái của bệnh nhân đã gửi chị bức ảnh của ba mình rất khỏe mạnh bên gia đình. Có lẽ, đó là thời điểm mình vừa chạm được đến đích đến của mỗi chặng đường hành nghề y của mình.

Khăn giấy luôn có sẵn trong phòng làm việc…

Là trung gian tiếp nhận và vận chuyển máu cứu hộ cho bệnh nhân, trong các lần tiếp nhận, không ít lần chị trở thành điểm tựa cho người hiến máu có kết quả xét nghiệm HIV. Tâm lý của người nhận được thông báo nhiễm HIV nặng nề hơn so với 1 người được thông báo họ mắc bệnh hiểm nghèo. Bởi lẽ, họ còn lo sợ sự kỳ thị của xã hội, với những suy luận của thế giới ngoài kia về sinh hoạt, lối sống của họ. Thông báo kết quả HIV là 1 việc áp lực nhất của mình – chị Thu chia sẻ.

Thường chị mất 1 hộp khăn giấy (loại 100 tờ) cho mỗi trường hợp này – chị Thu hóm hỉnh nửa vui nửa xót xa. Đa phần các bạn còn quá trẻ, tương lai còn rất dài nên bản thân chị khi thông báo cũng rất đau lòng. Không chỉ đọc kết quả mà chị còn hướng dẫn khai báo và điều trị, hướng dẫn họ sống lành mạnh, an toàn với người xung quanh, để họ không còn mặc cảm, vẫn hoàn toàn là 1 công dân có ích cho xã hội.

Tự hào với công việc thầm lặng!

Là người phụ trách Đơn vị Truyền máu, ngoài giờ làm việc, điện thoại cá nhân phải được mở 24/24 để sẵn sàng hỗ trợ, xử lý những tình huống phát sinh ngoài giờ. Điều đó đồng nghĩa, khoảng thời gian cá nhân không còn của riêng mình. Nhưng nếu hỏi về điều làm chị mệt mỏi nhất, thì câu trả lời sẽ là “khi kho không đủ máu cho bệnh nhân”, chỉ cần lượng máu trong kho đủ để sử dụng cho nội viện, thậm chí chia sẻ cho đơn vị bạn (nếu cần) thì bận mấy chị cũng sẵn sàng. Vì chị biết, nếu thiếu máu, quá trình điều trị của bệnh nhân không thể tiếp tục! Vậy nên, chưa một lần chị cảm thấy hối hận vì lựa chọn nghề nghiệp hay môi trường công tác của mình, mà ngược lại chị luôn nhắc nhở bản thân về trách nhiệm của mình đối với sức khỏe của người bệnh!