Theo khuyến cáo của Bộ Y tế Việt Nam, những người từ 50 tuổi trở lên, có tiền sử hút thuốc hoặc tiếp xúc với khói thuốc trong thời gian dài nên thực hiện tầm soát ung thư phổi định kỳ.
Tại sao tầm soát ung thư phổi lại cần thiết?
Nhiều người quan niệm rằng chỉ khi có triệu chứng mới cần kiểm tra. Thực tế, ung thư phổi và hầu hết các loại ung thư khác thường diễn tiến âm thầm và không có biểu hiện ở giai đoạn đầu. Khi xuất hiện triệu chứng thì bệnh thường đã nặng, điều trị khó khăn.
Các dấu hiệu sớm như ho kéo dài, mệt mỏi, tức ngực… thường dễ nhầm lẫn với các bệnh lý hô hấp thông thường như cảm cúm, viêm phổi,… khiến người bệnh chủ quan và trì hoãn thăm khám.
Tầm soát ung thư phổi không chỉ dừng lại ở việc xác định các tổn thương nghi ngờ khối u, mà còn giúp đánh giá các tổn thương khác ở phổi (các tổn thương ở phế quản, phế nang như giãn phế quản, khí phế thũng…) từ đó can thiệp kịp thời, nâng cao hiệu quả điều trị, giảm chi phí và tăng cơ hội sống.
Phương pháp tầm soát được khuyến cáo hiện nay là chụp cắt lớp vi tính liều thấp (LDCT). Vậy LDCT khác gì với các phương pháp trước đây?
So sánh giữa các phương pháp:
Phương pháp | Ưu điểm | Hạn chế |
X-quang ngực | – Dễ thực hiện – Chi phí thấp |
– Độ nhạy thấp – Khó phát hiện khối u nhỏ hoặc tổn thương sớm |
CT ngực thường quy | – Hình ảnh chi tiết – Phát hiện được các tổn thương nhỏ |
– Liều tia cao – Không phù hợp để tầm soát định kỳ |
Chụp CT liều thấp (LDCT) | – Độ chính xác cao – Phát hiện được các khối u nhỏ chỉ vài mm – Liều tia giảm đến 90% so với CT thường – Thực hiện nhanh, không đau, không xâm lấn |
– Chi phí cao hơn X-quang – Trường hợp LDCT phát hiện nhiều tổn thương quá nhỏ, khó đánh giá bản chất, cần được theo dõi và tái đánh giá qua các lần kiểm tra tiếp theo |
LDCT là lựa chọn tối ưu cho nhóm có nguy cơ cao, giúp phát hiện sớm ung thư phổi ngay cả khi chưa có triệu chứng. Khi LDCT phát hiện tổn thương bất thường, bác sĩ sẽ:
- Đánh giá mức độ nghi ngờ ung thư
- Hướng dẫn theo dõi định kỳ, sinh thiết hoặc chụp kiểm tra lại nếu cần
- Cá nhân hóa kế hoạch theo dõi, tránh can thiệp không cần thiết, nhưng vẫn đảm bảo an toàn cho người bệnh
Nếu bạn thuộc nhóm nguy cơ cao hoặc thường xuyên tiếp xúc với khói thuốc, hóa chất độc hại, hãy trao đổi với bác sĩ để được tư vấn và đưa ra quyết định chung về tầm soát ung thư phổi.