Tầm soát hay sàng lọc là quá trình khám xét được thực hiện để phát hiện bệnh trước khi có các triệu chứng. Mục đích của tầm soát là phát hiện bệnh ở giai đoạn sớm nhất và có thể điều trị được sớm nhất. Tại Việt Nam ung thư phổi là một trong 10 loại ung thư thường gặp trên cả hai giới và là nguyên nhân gây tử vong hàng đầu. Bệnh thường được phát hiện muộn và khó điều trị. Do đó việc tầm soát ung thư phổi để phát hiện bệnh ở giai đoạn sớm rất hữu ích, góp phần nâng cao hiệu quả điều trị và giảm tỷ lệ tử vong. Trong tầm soát ung thư phổi, những người có nguy cơ cao có thể bị ung thư phổi hoặc có thể có dấu hiệu hoặc triệu chứng của bệnh thì sẽ được chụp cắt lớp vi tính phổi liều thấp (LDCT).
Chụp cắt lớp vi tính liều thấp (low-dose computed tomography – LDCT)
Đây là một kỹ thuật chụp cắt lớp kết hợp thiết bị chụp cắt lớp đặc biệt với máy vi tính để tạo ra nhiều hình ảnh cắt ngang hoặc hình ảnh bên trong cơ thể. LDCT tạo ra hình ảnh có chất lượng đủ để phát hiện nhiều bất thường trong khi mức sử dụng bức xạ ion hóa ít hơn tới 90% so với chụp CT ngực thông thường. Chụp cắt lớp vi tính liều thấp là một sàng lọc rất chi tiết được dùng để phát hiện ung thư phổi hoặc các dấu hiệu bất thường với độ phân giải cao hơn so với phương pháp chụp thông thường. Máy chụp CT liều thấp chuyển động theo hình xoắn ốc và chụp liên tục các hình ảnh của phổi. Khảo sát này có thể phát hiện các dấu hiệu bất thường trong phổi dù nhỏ như hạt gạo, trong khi máy chụp X-quang truyền thống sẽ không thể hiển thị khối u cho đến khi nó có kích thước lớn hơn.
Những đối tượng nào cần tầm soát ung thư phổi
Hiệp hội Ung thư Hoa Kỳ khuyến cáo nên tầm soát ung thư phổi hàng năm bằng phương pháp chụp CT liều thấp cho những bệnh nhân khỏe mạnh ở độ tuổi từ 55 đến 74, có tiền sử hút thuốc lá ít nhất 30-gói-năm (là người đã hút ít nhất một gói/ngày trong vòng 30 năm hoặc hai gói/ngày trong vòng 15 năm) và những người hiện đang hút thuốc hoặc đã bỏ thuốc trong vòng 15 năm qua. Ngoài ra, sàng lọc cũng được khuyến cáo cho những người đã tiếp xúc với các chất độc hại và ô nhiễm môi trường bao gồm khói thuốc lá, amiăng, radon, asen, phóng xạ và các hóa chất khác. Một số người có tiền sử cá nhân hoặc gia đình bị ung thư phổi, mắc một số bệnh phổi mãn tính, hoặc lớn tuổi nếu tự nguyện vẫn có thể được chỉ định sàng lọc bằng chụp cắt lớp vi tính liều thấp.
Phương pháp nào hiệu quả trong tầm soát ung thư phổi
X quang phổi thường qui là kĩ thuật dùng bóng đèn phát tia X trong phòng chụp có tấm chì che chắn, ghi lại hình ảnh lồng ngực với các cấu trúc cấu trúc bên trong (phổi, tim, đường thở, mạch máu, hạch bạch huyết, thành ngực…). X quang phổi thường qui cho kết quả nhanh chóng, giá thành thấp. Tuy nhiên, kĩ thuật này không đánh giá rõ những chi tiết nhỏ, hình ảnh có thể bị chồng lấp nên có thể bỏ sót tổn thương.
Vì vậy, kĩ thuật chụp cắt lớp vi tính hay thường gọi là CT (computed tomography) đã ra đời để giải quyết nhưng thiếu sót trên và ngày càng được áp dụng rộng rải. Tuy nhiên, đây cũng là kĩ thuật dựa trên nguyên lý tia X và hình ảnh được ghi nhận bằng nhiều dãy đầu dò được mã hoá cho hình ảnh chi tiết, không bị trùng lắp. Tia X được dùng trong X quang, CT là tác nhân bức xạ có khả năng gây ra các ảnh hưởng không mong muốn lên nhiều cơ quan khi tiếp xúc nên việc giảm liều tia và thời gian tiếp xúc đã được nghiên cứu và cho ra đời kĩ thuật CT phổi liều thấp (LDCT: low-dose computed tomography chest) tức sử dụng liều xạ thấp ở mức < 2mSv để đánh giá cho các đối tượng có nguy cơ cao cần thực hiện CT hàng năm.
Hình A, B: X quang phổi thẳng, nghiêng. Hình C: CT ngực tái tạo mặt phẳng coronal ở bệnh nhân nữ 56 tuổi, giúp phát hiện rõ tổn thương trong lòng khí quản, được chẩn đoán sau phẫu thuật là u tuyến dạng nang
Hình A, B: Hình A, B: X quang phổi thẳng, nghiêng. Hình C: CT ngực mặt phẳng axial ở bệnh nhân nữ 50 tuổi giúp phát hiện sớm tổn thương vùng rốn phổi (P) và được xác định ung thư tế bào vảy sau sinh thiết.
Sự khác biệt chụp CT phổi liều thấp và X – quang truyền thống
Chụp CT phổi liều thấp được khuyến nghị để sàng lọc ung thư phổi, là một hình thức chụp mới và cật nhập hơn so với chụp X – quang truyền thống, phương pháp chụp này có ưu điểm vượt trội như:
Hình ảnh chính xác:
Chụp CT phổi liều thấp có thể phát hiện nhưng tổn thương nhỏ hơn X quang nên hiệu quả để chẩn đoán ung thư phổi ở giai đoạn sớm nhất giúp bệnh nhân có thể phải trải qua phẫu thuật xâm lấn tối thiểu và cắt bỏ ít mô phổi hơn. Kỹ thuật chụp này có thể cho thấy bất thường phổi kích thước của một hạt gạo, trong khi chụp X – quang truyền thống có thể xác định ung thư phổi kích thước của một đồng xu. Đây là một sự khác biệt quan trọng vì khối u càng nhỏ khi được phát hiện; các tế bào ung thư càng ít có khả năng di căn sang các bộ phận khác của cơ thể. Điều này có nghĩa là nhiều lựa chọn điều trị hơn và cơ hội sống sót cao hơn.
Thời gian nhanh:
Chụp cắt lớp vi tính phổi liều thấp là chụp cắt lớp ngực, với việc chụp nhanh, trong một lần hít vào tối đa, kéo dài không quá 25 giây. Quá trình quét thực tế chỉ mất chưa đầy một phút để hoàn thành và từ khi bắt đầu đến khi kết thúc, toàn bộ cuộc thăm khám mất khoảng 30 phút. Chụp CT phổi liều thấp thích hợp đối với những bệnh nhân khó thở.
An toàn:
– Chụp CT phổi liều thấp tạo ra hình ảnh có chất lượng ảnh đủ để phát hiện nhiều bất thường bằng cách sử dụng bức xạ ion hóa ít hơn tới 90% so với chụp CT phổi thông thường.
– Kỹ thuật tiếp cận nhanh chóng, không đau và không xâm lấn. Không sử dụng thuốc cản quang, không tiêm nên không gây ra các phản ứng dị ứng (mẩn ngứa, sốc…).
– Liều bức xạ chụp thấp được đặt ở mức dưới 1mSv (so với liều chuẩn khoảng hơn 2mSv/năm), tức giảm nguy cơ tiếp xúc tia xạ nên an toàn và được khuyến cáo nên là phương pháp tốt nhất để sàng lọc, phát hiện ung thư phổi sớm.
Theo dõi sau khi có kết quả chụp cắt lớp vi tính liều thấm
Ung thư phổi thường xảy ra dưới dạng nốt phổi hoặc một vùng mô bất thường trong phổi. Bạn nên nhớ rằng tất cả các tổn thương phát hiện được đều không có nghĩa là ung thư. Phần lớn các nốt này có thể là các vùng sẹo trong phổi do nhiễm trùng trước đó hoặc các hạch bạch huyết nhỏ. Nếu kết quả chụp cắt lớp vi tính liều thấp phát hiện một nốt lớn hơn một kích thước nhất định, bạn sẽ được bác sĩ kiểm tra và tư vấn chụp lại tiếp theo vài tháng sau để kiểm tra xem nốt có thay đổi về kích thước hay không. Trong trường hợp nghi ngờ, có thể đánh giá thêm bằng chụp CLVT có tiêm thuốc cản quang và/hoặc sinh thiết phổi. Bác sĩ giải phẫu bệnh sẽ trả kết quả là ác tính (ung thư) hay lành tính. Nếu là ung thư, bạn sẽ được bác sĩ chẩn đoán và điều trị theo hướng dẫn của Bộ Y tế. Các lựa chọn điều trị và kết quả điều trị phụ thuộc vào giai đoạn của khối u.
Chụp cắt lớp vi tính phổi liều thấp là lựa chọn đầu tay của các chuyên gia khi muốn phát hiện sớm ung thư phổi. Tại Bệnh viện Ung bướu Đà Nẵng với hệ thống trang bị gồm 2 máy CT đa dãy đầu dò 16 & 128 dãy của hãng GE, Mỹ cùng với đội ngũ bác sĩ được đào tạo chuyên sâu sẽ hỗ trợ bệnh nhân có nhu cầu trong tầm soát, chẩn đoán, điều trị chuyên sâu bệnh lý ung thư phổi.
Tài liệu tham khảo
- BalázsNagy, et al. Shall We Screen Lung Cancer With Low-Dose Computed Tomography? Cost-Effectiveness in Hungary. Value in Health Regional Issues Volume 34, March 2023, Pages 55-64.
- Harriet L. Lancaster, Marjolein A. Heuvelmans, Matthijs Oudkerk. Low-dose computed tomography lung cancer screening: Clinical evidence and implementation research. Journal of Internal Medicine, 2022, 292; 68–80.
- Patricia M. de Groot, MD et al. Pitfalls in Chest Radiographic Interpretation: Blind Spots. Semin Roentgenol. 2015 Jul;50(3):197-209.
- Davies HE, et al. BMJ 2011;342:d947.
Nội dung: BSCKI. Phạm Ngọc Đề
Chỉnh sửa và biên tập: TS. BS. Nguyễn Phạm Thanh Nhân