Nội soi đại tràng

NỘI SOI ĐẠI TRÀNG LÀ GÌ ?

Nội soi đại tràng là một thủ thuật thăm khám đoạn cuối của ống tiêu hóa hay còn gọi là ruột già. Bác sĩ sử dụng ống soi đưa vào hậu môn lên tới manh tràng và đoạn cuối của ruột non quan sát các đoạn ruột già. Thủ thuật thường thực hiện khoảng 15 phút đến 1 tiếng tùy thuộc vào từng người.

NHỮNG AI CẦN NỘI SOI ĐẠI TRÀNG ?

Nếu bạn có 1 trong các triệu chứng sau đây thì bạn nên đi soi đại tràng kiểm tra:

  • Bạn muốn tầm soát ung thư đại tràng
  • Đi cầu ra máu
  • Đi cầu lỏng kéo dài,
  • Khó đi cầu không rõ nguyên nhân
  • Thiếu máu thiếu sắt
  • Tiền sử gia đình mắc ung thư đại tràng
  • Bản thân từng bị polyp hoặc ung thư đại tràng
  • Đau bụng kéo dài chưa rõ nguyên nhân
  • Tình cờ phát hiện thấy bất thường khi siêu âm, chụp Ct bụng

CHUẨN BỊ RUỘT TRƯỚC KHI NỘI SOI:

Trước khi nội soi đại tràng bạn cần chuẩn bị ruột thật sạch điều này rất quan trọng vì nó giúp các bác sĩ quan sát ruột của bạn dễ hơn và tránh bỏ sót tổn thương. Nếu ruột không sạch các tổn thương dễ bị bỏ sót. Bạn sẽ nhận được tờ hướng dẫn súc ruột và bảng kiểm tra các bệnh lí đi kèm trước khi thực hiện nội soi. Nếu có bất kỳ thắc mắc nào hãy hỏi nhân viên y tế.

Trước ngày soi:

Bạn nên ăn cháo, thức ăn mềm. không nên ăn nhiều chất xơ, nên uống nhiều nước lọc, cần tránh các loại nước có màu đặc biệt là màu đỏ vì dễ gây nhầm lẫn cho bác sĩ.

Làm sạch ruột:

Để làm sạch ruột, bạn được hướng dẫn súc ruột. có hai cách súc ruột đó là uống thuốc 1 lần vào buổi sáng hôm đi nội soi. hoặc uống thuốc 2 lần: 1 lần vào buổi tối hôm trước và 1 lần vào buổi sáng hôm sau (Cách này giúp ruột sạch hơn). Thông thường bạn cần uống 3-4 lít nước khi súc ruột. Để đảm bảo ruột đã sạch bạn cần đi cầu ít nhất 8-10 lần hoặc ra nước trong là được.

Có cần ngưng các loại thuốc đang sử dụng khi nội soi không?

Hầu hết các thuốc bạn đang uống đều có thể sử dụng cho tới ngày đi nội soi. Tuy nhiên bạn nên hỏi ý kiến của bác sĩ trước khi nội soi, một số loại thuốc có thể làm tăng nguy cơ chảy máu khi làm thủ thuật cắt polyp qua nội soi bao gồm: warfarin /Coumadin, clopidogrel /Plavix, aspirin… và các thuốc chống đông khác (nên báo bác sĩ trước khi  nội soi).

THỰC HIỆN NỘI SOI:

Nếu soi gây mê: Bác sĩ gây mê tiêm thuốc mê vào tĩnh mạch giúp bệnh nhân ngủ, và không có cảm giác khó chịu khi soi, sau đó bác sĩ nội soi đưa ống soi vào đại tràng để quan sát. Trong lúc soi bạn sẽ không có cảm giác khó chịu hay đau đớn gì cả. cảm giác như đang trải qua một giấc ngủ.

Nếu không gây mê: bạn nằm nghiêng qua 1 bên, sau đó bác sĩ nội soi sẽ đưa ống soi qua đường hậu môn vào trong đại tràng. Trong quá trình nội soi sẽ bơm hơi và có thể xoay các tư thế giúp quan sát dễ hơn. Bạn cần nằm yên, thả lỏng cơ thể, và làm theo hướng dẫn của nhân viên y tế.  bạn sẽ có cảm giác tức và căng ở bụng do bơm hơi. Bạn hoàn toàn có để để xì hơi qua hậu môn tự do, không cần nín lại.

Trong lúc nội soi nếu thấy bất thường ở niêm mạc hoặc thấy khối u, polyp. bác sĩ sẽ tiến hành sinh thiết để làm xét nghiệm.

KẾT THÚC NỘI SOI:

Sau khi soi xong bạn được theo dõi từ 30-60 phút (tới khi bạn tỉnh táo hoàn toàn đối với nội soi gây mê ). Bạn sẽ có cảm giác căng bụng và xì hơi nhiều. việc xì hơi có tác dụng giảm bớt căng bụng. Tại ngày nội soi bạn không nên uống rượu bia,  nên ở nhà nghỉ ngơi và đi làm vào ngày hôm sau.

 

BIẾN CHỨNG NỘI SOI ĐẠI TRÀNG:

Nội soi đại tràng là thủ thuật an toàn, biến chứng rất hiếm gặp, tuy nhiên có thể xảy ra đối với trường hợp nội soi có can thiệp như cắt polyp, cắt hớt niêm mạc điều trị ung thư sớm. các biến chứng có thể gặp bao gồm:

  • Chảy máu: Do sinh thiết hoặc do cắt polyp, thường chảy máu ít và có thể tự cầm, nếu thấy đi cầu ra máu nhiều bạn nên báo bác sĩ ngay.
  • Thủng đại tràng, biến chứng này rất hiếm gặp
  • Tác dụng phụ của thuốc gây mê

Thông báo cho bác sĩ ngay nếu xuất hiện các triệu chứng sau:

  • Đau bụng nhiêu
  • Bụng co cứng
  • Nôn nhiều
  • Sốt
  • Đi cầu ra máu nhiều (hơn 30 ml)

VỀ NHÀ SAU KHI NỘI SOI:

Nếu bạn được gây mê thì nên có người đưa về Vì sau khi gây mê bạn vẫn còn chóng mặt, hoặc buồn ngủ do đó không nên tự lái xe về nhà.

Nếu bạn nội soi không gây mê bạn có thể tự lái xe đi về

Lưu ý:

  • Trong lúc uống thuốc súc ruột bạn có thể bị nôn hoặc buồn nôn, lúc đó cần: tạm nghỉ, đứng dậy và đi lại nhẹ nhàng sau đó uống lại từng ngụm nhỏ. Nếu vẫn buồn nôn hãy liên hệ nhân viên y tế để được chỉ dẫn.
  • Báo bác sĩ nếu bạn bị dị ứng với bất kì loại thuốc hay thức ăn nào.
  • Để thuận tiện cho việc thăm khám bạn nên mang theo tất cả các giấy tờ liên quan đến bệnh của mình và kết quả nội soi trước đó để các bác sĩ nội soi xem xét và đối chiếu (điều này rất quan trọng đừng quên nhé!!)

Một số hình ảnh nội soi đại tràng tại bệnh viện:

1
2
3
4
5
6

Chú thích:

Hình 1,2: Đại tràng bình thường

Hình 2: Polyp đại tràng

Hình 4,5,6: Ung thư đại tràng

(Bs: Phạm Minh Ngọc, khoa Nội soi và Thăm dò chức năng )