Cuộc hẹn tái khám giữa bệnh nhân và các bác sĩ tại Khoa Ung bướu tổng hợp như là một cuộc “đoàn viên”. Đối với những bác sĩ tại Bệnh viện Ung bướu Đà Nẵng, ngày bệnh nhân tái khám có nghĩa là họ vẫn còn sống và đang sống khỏe cùng căn bệnh hiểm nghèo.
Những lá thư nhân ngày Thầy thuốc Việt Nam của bệnh nhân gửi đến khoa Ung bướu tổng hợp, Bệnh viện Ung bướu Đà Nẵng.
Những cuộc hẹn tái khám xúc động
Một tay xách balo nặng trịch quần áo, một tay ôm trái dưa hấu to, tròn, cô Thủy (một bệnh nhân tại Quảng Ngãi) hôm nay có lịch đến tái khám định kỳ tại Khoa Ung bướu tổng hợp, Bệnh viện Ung bướu Đà Nẵng. Trái dưa hấu cô Thủy mang theo hôm nay vừa để mọi người trong phòng bệnh cùng ăn, vừa dành một ít “chân tình” mời các bác sĩ, y tá tại Khoa, chứa đựng trong đó là những tình cảm trân quý, gắn bó, gần gũi giữa bệnh nhân và những bác sĩ tại đây.
Cuộc gặp gỡ ấy mở đầu bằng sự niềm nở, không kịp để cho cô Thủy mở lời chào, BS. Đặng Nguyên Kha, Trưởng Khoa Ung bướu tổng hợp đã vui vẻ chào trước, hỏi thăm sức khỏe cô Thủy khi tình cờ gặp ở hành lang. “Mỗi ngày đều có rất nhiều bệnh nhân đến khám, nhớ thì làm sao nhớ hết được, nhưng mà những bệnh nhân “đặc biệt” thì nhớ hết. Họ điều trị cả năm, có khi mấy năm liền thì xem như người nhà luôn rồi”- BS. Kha chia sẻ.
Trong cuốn “sổ góp ý” là những bức thư xúc động của các bệnh nhân được Khoa lưu giữ cẩn thận.
Cuộc trò chuyện của chúng tôi hôm nay có thêm một bệnh nhân đã điều trị tại đây từ năm 2017, bác Phan Văn Ngô (quê ở Quảng Trị) năm nay đã 80 tuổi, phát hiện mắc bệnh cách đây 3 năm, và hiện bác vẫn đang khỏe mạnh, tái khám đều đặn. Đợt này bác vào Đà Nẵng để tái khám định kỳ, suốt 3 năm từ khi phát hiện bệnh, bác Ngô xem nơi đây như là nhà. Thuộc lòng đường đi lối lại, nhớ tên từng cô điều dưỡng, từng bác sĩ trong Khoa.
Với bác sĩ Phạm Tấn Vương ( bác sĩ trực tiếp điều trị), mỗi lần đến lịch hẹn tái khám là một lần xúc động: “ Xúc động chứ, mỗi lần tái khám gặp lại bệnh nhân có nghĩa là họ vẫn đang sống tốt, sống khỏe với bệnh tật”. Sau mỗi lần khám bệnh, bao giờ các bác sĩ ở đây cũng ghi rõ ngày, giờ tái khám. Và cũng có những cuộc hẹn, hẹn mãi mà bệnh nhân không đến. Nói trong xúc động, BS. Vương kể về những lần lỡ hẹn, một khi bệnh nhân không đến tái khám, thì cũng có thể hiểu rằng, “có lẽ là chúng tôi không còn cơ hội gặp lại họ nữa”.
BS. Đặng Nguyên Kha chia sẻ: “Chúng tôi thở phào nhẹ nhõm mỗi lần bệnh nhân tái khám, vì căn bệnh ung thư vốn dĩ không ai dám nói trước được điều gì”.
Cũng vì lẽ đó mà mỗi cuộc gặp tái khám giữa bệnh nhân và bác sĩ được xem như là một cuộc “đoàn tụ”, bác Ngô vui vẻ kể cho chúng tôi về sức khỏe của bác, kể về lí do bác tin tưởng chọn Bệnh viện Ung bướu Đà Nẵng làm nơi điều trị, và những tình cảm trong cách tiếp đón, chăm sóc của từng y, bác sĩ nơi đây.
Những lá thư tri ân những người Thầy thuốc Việt Nam
Những cuộc hẹn tái khám đầy xúc động, khi biết được bệnh nhân đang sống tốt cùng bệnh tật.
Hôm nay bác Ngô đến với Khoa Ung bướu tổng hợp để gửi một lá thư do chính tay bác viết, thay cho lời cám ơn và lời chúc nhân kỷ niệm ngày Thầy thuốc Việt Nam (27/2/1955-27/2/2020) đến toàn thể các cô, các chú y bác sĩ.
Các bác sĩ tại Khoa vẫn thường xuyên nhận được những lá thư như thế này, đặc biệt trong những ngày cận kề ngày thầy thuốc. BS. Đặng Nguyên Kha cho chúng tôi xem một cuốn sổ được lưu giữ cẩn thận tại bệnh viện, cuốn sổ trong đó kẹp theo rất nhiều những lá thư, những bài thơ của các bệnh nhân đã và đang điều trị tại Khoa gửi đến.
Những lá thư giản dị, những câu chữ mộc mạc nhưng chứa đựng tình cảm chân thành.
Đọc qua những lá thư, chúng tôi phần nào thấy được những tình cảm chân thành, những lời cám ơn sâu sắc của các bệnh nhân gửi đến các y, bác sĩ. Bệnh ung thư là bệnh hiểm nghèo, tốn kém và phải điều trị, theo dõi xem như là suốt đời. Cũng vì thế mà những bức thư tại Khoa Ung bướu tổng hợp chứa chan những tình cảm, sự gần gũi giữa bệnh nhân với các y bác sĩ. Mỗi lá thư là một câu chuyện xúc động, gắn liền với một người bệnh được các bác sĩ tận tình chăm sóc, cứu chữa.
Trong số những lá thư được kí tên ở dưới, có những người vẫn đang tái khám đều đặn, nhưng cũng có những người “không thể đến với bệnh viện nữa”. BS. Phạm Tấn Vương kể cho chúng tôi nghe về một ca bệnh gắn bó không chỉ riêng với bác, mà còn gắn bó với cả Khoa Ung bướu tổng hợp. Một ca bệnh điều trị dài ngày, rồi sau đó mất tại bệnh viện. “Những năm trước, đến ngày giỗ của chị ấy (người bệnh đã mất) là tôi đều tranh thủ sau giờ làm ghé sang nhà thắp nén hương. Nhưng cũng chợt nhận ra mình làm vậy cũng vô tình gợi lại sự mất mát đối với gia đình, nên năm nay tôi không đến nữa. Không đến nhưng mà vẫn nhớ đến” – BS. Vương xúc động kể.
Còn với bác Ngô, bác viết thư cám ơn vì những tình cảm chân thành, xem người bệnh như người nhà của các bác sĩ. Theo lời bác, những ngày đầu phát hiện bệnh, bác cũng rất lo lắng, hoang mang nhưng cũng nhờ sự động viên, tận tình mà tinh thần của bác Ngô lạc quan hơn bao giờ hết.
Có trực tiếp đến tại Khoa Ung bướu tổng hợp, mới hiểu được câu nói “ung thư không phải là dấu chấm hết” mà BS. Đặng Nguyên Kha có trao đổi với chúng tôi lúc mở đầu câu chuyện. Những người mới phát hiện bệnh thường có tâm lí lo sợ, nặng nề, nhưng những bệnh nhân tại đây, họ đều cho thấy tinh thần lạc quan, “chiến đấu” với bệnh tật. Mắc bệnh tất nhiên là một điều không một ai mong muốn, nhưng nếu như không may mắc phải, thì tinh thần là điều rất quan trọng trong công tác điều trị bệnh. “Có lẽ cũng nhờ tinh thần lạc quan mà bệnh bác Ngô được kiểm soát tốt, hầu như không có dấu hiệu tiến triển. Đây cũng là một trường hợp rất “đặc biệt” của chúng tôi”- BS. Kha chia sẻ.
Nguyễn Huy