Những lá thư ở Bệnh viện Ung bướu

Sau ca phẫu thuật cho một bệnh nhân, bác sĩ Đặng Nguyên Kha, Trưởng khoa Ung bướu tổng hợp (UBTH), Bệnh viện Ung bướu Đà Nẵng (BV) trở về phòng hội ý. Trên bàn, anh đưa chúng tôi xem một bài thơ dễ thương ghi kín mặt giấy vở học sinh của bệnh nhân có tên Phan Giang B., nội dung có những câu: “Cơm từ thiện mỗi ngày ba bữa/ Xe ra vào chẳng lấy một xu/ Chú bảo vệ hướng dẫn từng ly/ Đường ra vào bệnh nhân đều thuộc/ Y bác sĩ nhẹ nhàng khuyên bảo/ Lời dặn dò ấm áp làm sao… Em ngỡ ngàng với tình thương thực sự…”.

Cán bộ y tế khoa Ung bướu tổng hợp, Bệnh viện Ung bướu Đà Nẵng chăm sóc cho bệnh nhân.  Ảnh: Xuân Sơn

Bài thơ được đọc lên, ai cũng cười, nụ cười làm ấm cả một ngày mưa tháng 2.

Đó là một trong những dòng thơ với câu chữ mộc mạc đầy ân tình của các bệnh nhân gửi đến các y, bác sĩ, được bác sĩ Kha kẹp cẩn thận vào một cuốn sổ đã sờn.

Những lá thư chân tình

Cuốn sổ đã sờn tại khoa UBTH ấy có chức năng chính là tiếp nhận, lưu trữ những góp ý, phản hồi về công tác điều trị ở khoa. Những năm gần đây, nó kiêm thêm chức năng cất giữ những lá thư chân tình từ bệnh nhân đến điều trị. Theo năm tháng, những lá thư như thế ngày một nhiều thêm. Với những cán bộ y tế ở khoa UBTH, mỗi lá thư với lời lẽ mộc mạc, chân tình là một câu chuyện, một kỷ niệm mà mỗi khi đọc lại chỉ biết nhớ, khóc và cười.

Có thư viết gửi chung tập thể khoa, có thư lại được bệnh nhân dành riêng cho một bác sĩ, một điều dưỡng nào đó. Bệnh nhân, có người làm hẳn một bài thơ dài kín cả 2 mặt giấy, lại có bài thơ không điệu, không vần nhưng đọc lên mới hiểu nỗi lòng người đang ngày đêm vật lộn với bệnh tật.

“Thao tác nhanh như chớp/ Ôi những bàn tay vàng/ Loại trừ mầm bệnh ra/ Bác sĩ thật tài ba”, một bệnh nhân giấu tên ghi như thế, bằng nét chữ run run, lấm lem mực. Dưới mấy câu thơ, bệnh nhân này ghi thêm đôi dòng nhắn nhủ: “Trong cơn bạo bệnh, lại thấy ấm lòng, tự tin “chiến đấu” hơn khi được cán bộ, nhân viên bệnh viện chăm sóc, ân cần. Tôi yêu mến các chị, các anh…”.

“Tôi về đây, tạm biệt các anh, các chị, các bác sĩ… Mong lần sau quay lại vẫn có thể cùng mọi người ở đây uống ly nước, trò chuyện. Thương và nhớ mọi người”, bệnh nhân ký tên L.N nhắn lại trên mảnh giấy A4 kẻ dòng…

Mỗi con chữ, mỗi nội dung trong thư có thể khác nhau nhưng những người viết đều chung một chân tình với các y, bác sĩ, điều dưỡng…

Bác sĩ Kha chia sẻ, ung thư là bệnh hiểm nghèo, tốn kém và phải được chữa trị, theo dõi gần như suốt đời. Chính vì thế, những bệnh nhân và bác sĩ ở khoa UBTH nói riêng, BV nói chung đều có sự gắn kết không chỉ trong điều trị mà trong cả cuộc sống thường ngày. Chủ nhân những bức thư, có người đang trong phác đồ điều trị, gặp các bác sĩ theo định kỳ để chữa chạy, thuốc men; nhưng cũng có người mãi không trở lại. Những lá thư vì thế, trở thành kỷ niệm của cả người ra đi và của người ở lại…

Nhiều năm công tác ở khoa UBTH, bác sĩ Phạm Tấn Vương vẫn cảm thấy khóe mắt cay cay mỗi khi nhớ lại những trường hợp mình từng điều trị. Có bệnh nhân nữ là Việt kiều về nước, chị đến khám ở khoa rồi chấp nhận điều trị dài ngày tại đây cho tới ngày ra đi mãi mãi.

Bác sĩ Vương kể, sinh thời chị rất quý những cán bộ y tế tại khoa, đặc biệt luôn yêu cầu được anh điều trị. “Những năm trước, đến ngày giỗ của chị ấy (người bệnh đã mất), tôi đều tranh thủ sau giờ làm ghé sang nhà thắp nén hương, nhưng rồi chợt nhận ra mình làm vậy cũng vô tình gợi lại sự mất mát đối với gia đình, nên năm nay tôi không đến nữa”, bác sĩ Vương xúc động chia sẻ.

Những lá thư chân tình từ các bệnh nhân được bác sĩ lưu giữ. Ảnh: Xuân Sơn

Nụ cười của bệnh nhân luôn là món quà quý nhất

Năm nay là năm thứ 3 bệnh nhân Lê Thị Th. (trú quận Cẩm Lệ) “chiến đấu” với căn bệnh ung thư vú. Sau khi cắt bỏ một bên ngực, chị tiếp tục trải qua những ngày tháng vật vã với hóa trị, xạ trị và những liều thuốc. Gia đình chị khó khăn, con còn nhỏ, những tài sản có giá trị trong nhà được bán đi để chi trả tiền điều trị, thuốc men cho chị.

Bây giờ, khi sức khỏe đã tạm ổn định, chị gửi gắm tâm tư: “Không ai muốn mình mang bạo bệnh, càng không ai muốn mang cơ thể không còn toàn vẹn. Những khi ấy, nếu không có sự động viên của các bác sĩ và gia đình, có lẽ tôi không thể vững lòng mà sống đến hôm nay. Tôi sẽ nhớ hình ảnh các bác sĩ và điều dưỡng tóc rối bù, gương mặt mỏi mệt nhưng vẫn cố động viên tôi và mọi người, nhớ những lần được vỗ về và nụ cười tạm biệt ngày tôi xuất viện…”.

Suốt 3 năm qua, ông Phan Văn N. (SN 1940, quê ở tỉnh Quảng Trị) liên tục đi-về giữa Quảng Trị – Đà Nẵng để điều trị ung thư phổi. Sau những đợt thuốc men dài ngày, ông khoe đã khỏe hơn, đã có thể cùng con cháu đi du lịch khắp nơi, có thể sống những ngày an yên với tuổi già.

Ông N. chia sẻ: “Tôi đã có nhiều năm “chiến đấu” với ung thư, từ quê nhà cho đến bệnh viện. Những ngày nằm ở viện, thật may vẫn có được nụ cười và sự sẻ chia từ các y, bác sĩ, điều dưỡng…”. Sau ngày ra viện, từ Quảng Trị, ông lặn lội đến bệnh viện để trao tận tay bác sĩ Kha và bác sĩ Vương lá thư cảm ơn trong dịp kỷ niệm 65 năm Ngày Thầy thuốc Việt Nam (27-2-1955 – 27-2-2020).

“Chúng tôi chỉ mong thấy bệnh nhân trở lại”, bác sĩ Đặng Nguyên Kha nói. Anh giải thích: “Ung thư không thể chữa ngày một, ngày hai mà gần như cả nhiều năm, có khi cả đời. Bệnh nhân còn trở lại đúng theo phác đồ điều trị nghĩa là họ còn khỏe mạnh, còn có thể chữa trị được. Mỗi lần thấy bệnh nhân nào đó trong phác đồ điều trị trở lại bệnh viện là chúng tôi thở phào…”.

Ung thư không phải là dấu chấm hết. Theo bác sĩ Kha, những người mới phát hiện bệnh thường có tâm lý lo sợ, nặng nề. Mắc bệnh tất nhiên là điều không một ai mong muốn, nhưng nếu như không may mắc phải, thì tinh thần là điều rất quan trọng trong công tác điều trị bệnh. Tinh thần lạc quan, yêu đời, mạnh mẽ để “chiến đấu” với bệnh là liều thuốc đắc lực trong công tác điều trị ung thư.

Ở khoa UBTH cũng như các khoa khác của BV, các bác sĩ gần như trải qua 3 “cuộc chiến”. Bác sĩ Kha nói: “Có “cuộc chiến” giành giật sự sống cho bệnh nhân, có “cuộc chiến” hỗ trợ về tâm lý cho bệnh nhân và người nhà bệnh nhân trong thời gian điều trị và cả “cuộc chiến” tâm lý của chính mình – bản thân mình phải trở thành người đồng hành, người thân của của bệnh nhân. Giữa bác sĩ và bệnh nhân có sự tin tưởng thì công tác điều trị mới ổn thỏa”.

Bác sĩ Kha đã chứng kiến sự ra đi của bố mình vì ung thư phổi sau 3 tháng phát hiện bệnh. Bây giờ, với anh, ai đến điều trị cũng như người thân trong nhà. Chỉ tay vào đĩa trái cây mát lành trên bàn, anh cho biết đó đều là do người thân bệnh nhân mang đến tặng các bác sĩ, điều dưỡng ở khoa.

“Công việc đã cuốn mình đi theo những ca bệnh, chúng tôi chưa thể đọc hết những lá thư, những tâm tư tình cảm mà bệnh nhân sẻ chia nhưng chắc chắn, tất cả đều được đón nhận. Bởi, đối với đội ngũ y, bác sĩ, bao giờ cũng vậy, tâm tư, nụ cười cùng sức khỏe của người bệnh luôn là món quà quý giá nhất… ”, bác sĩ Kha nói.

Và, bệnh viện dường như không còn là bệnh viện như những dòng thơ hóm hỉnh, lạc quan được một bệnh nhân ghi từ không gian ấm áp, đặc biệt này: “Phòng mổ – ta ghé chơi/ Bác sĩ – thắp đèn trời/ Sáng lấp lánh khắp nơi/ Ta bình yên nghỉ ngơi”…

Theo Báo Đà Nẵng