DINH DƯỠNG NGÀY TẾT CHO NGƯỜI BỆNH UNG THƯ

Tết Cổ truyền là dịp để mọi người được sum vầy bên người thân và bạn bè, là khoảng thời gian vô cùng ý nghĩa và thiêng liêng trong không khí giao thời, đặc biệt là đối với những người bệnh ung thư bởi họ lại có những khoảnh khắc quý giá được quây quần đầm ấm bên mâm cơm gia đình. Những món ăn trong dịp Tết truyền thống cũng vô cùng đa dạng và phong phú, tuy nhiên sẽ có nhiều thay đổi hơn so với món ăn ngày thường. Vì vậy, người bệnh ung thư cần lưu ý các nguyên tắc ăn uống sau đây để luôn đảm bảo đầy đủ dinh dưỡng trong dịp Tết.

  1. Ăn đầy đủ 4 nhóm chất gồm:

+ Tinh bột: cháo, cơm, bún, phở, mỳ, miến, nếp, bắp, khoai, sắn…

+ Đạm: thịt, cá, trứng, sữa, hải sản, ngũ cốc…

+ Chất béo: dầu thực vật, hạn chế mỡ động vật.

+ Chất xơ: các loại rau, quả.

Dù các món ăn ngày Tết chế biến cầu kỳ và khác hơn so với ngày thường nhưng nếu người bệnh chủ động lựa chọn đa dạng các món ăn thì vẫn có thể đảm bảo cân đối và đầy đủ cả 4 nhóm chất trên.

  1. Ăn đúng bữa:

Dịp Tết mọi người thường đi thăm hỏi, vui chơi và di chuyển nhiều nên giờ giấc sinh hoạt cũng thường bị đảo lộn dẫn đến ăn uống không đúng giờ hoặc bỏ bữa, ăn bù dễ gây rối loạn tiêu hóa. Vì vậy người bệnh cần chú ý ăn đúng giờ, đúng bữa, cố gắng đừng quá xáo trộn so với ngày thường. Đặc biệt cần chia nhỏ các bữa ăn bao gồm 3 bữa ăn chính và 2-3 bữa ăn phụ trong ngày.

Nếu đi đâu xa, đi du lịch, về quê, thăm người thân ở nơi khác, người bệnh phải dự kiến, có kế hoạch chuẩn bị trước về thời gian ăn, thực phẩm mang theo để làm sao đảm bảo ăn đúng bữa.

  1. Theo dõi cân nặng hằng tuần:

Điều này rất quan trọng vì đa số người bệnh ung thư đang trong quá trình điều trị đều cần được bồi dưỡng để hỗ trợ cho quá trình điều trị tiếp theo sau Tết, vì vậy nếu người bệnh đang hoặc chuẩn bị điều trị sau Tết, cần lưu ý cân nặng phải đạt ở mức chuẩn với BMI dao động từ 18,5 – 22,9. Nếu người bệnh quá gầy, cần phải bồi bổ, tăng cân để chuẩn bị cho kế hoạch điều trị tiếp theo.

  1. Hạn chế bánh kẹo ngọt, bia rượu, các chất kích thích, tiêu thụ càng ít càng tốt.
  2. Các đối tượng đặc biệt:

+ Người bệnh hậu phẫu hoặc ăn qua ống thông dạ dày/hỗng tràng/mũi-dạ dày: cần được tư vấn, hướng dẫn của bác sĩ dinh dưỡng về cách chế biến và thực đơn ăn qua sonde tại nhà theo lộ trình.

+ Người bệnh ung thư có bệnh lý kèm khác như đái tháo đường, tăng huyết áp, suy gan, suy thận, gout… thì cần kiêng khem theo các chế độ ăn khác nhau, vì vậy người bệnh cần được bác sĩ dinh dưỡng tư vấn hướng dẫn cụ thể chế độ dinh dưỡng phù hợp với từng mặt bệnh khác nhau để có một mùa Tết ăn uống đúng, đủ và đảm bảo được sức khỏe.

  1. Khuyến khích vận động thường xuyên, hạn chế nằm quá lâu để tránh teo cơ và giúp chuyển hóa được tốt hơn.
  2. Ăn hoặc uống sữa chua hằng ngày để cung cấp lợi khuẩn đường ruột giúp tiêu hóa, hấp thu tốt, tránh bị rối loạn tiêu hóa và làm tăng cảm giác ngon miệng.

Việc đảm bảo dinh dưỡng đúng và đầy đủ vào ngày Tết sẽ giúp bệnh nhân ung thư hồi phục tốt hơn và ổn định được thể trạng, giúp cho việc vui chơi ngày Tết trở nên chủ động, đảm bảo được sức khỏe và dành trọn niềm vui đầm ấm bên người thân và gia đình.

BS. HOÀI – KHOA DINH DƯỠNG TC