CHỦ ĐỘNG ĐẨY LÙI UNG THƯ CỔ TỬ CUNG

Ung thư cổ tử cung (UTCTC) là một trong những bệnh ung thư phổ biến, xếp thứ 4 về tỷ lệ mới mắc và tỷ lệ tử vong trong các ung thư thường gặp ở nữ giới. Globocan 2022 ghi nhận có 662.301 ca mắc mới và 348.874 ca tử vong vì ung thư cổ tử cung trên thế giới. Tại Việt Nam, có 4.612 ca mắc mới và 2.571 ca tử vong, tương ứng với tỷ lệ mắc là 9,3/100.000 phụ nữ.

Nguyên nhân chính gây ung thư cổ tử cung là gì?

Hơn 95% trường hợp UTCTC có liên quan đến nhiễm virus HPV (Human Papillomavirus), đặc biệt là các chủng nguy cơ cao như HPV 16 và 18. Nhiễm HPV kéo dài có thể dẫn đến các tổn thương tiền ung thư và tiến triển thành ung thư nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời.

Cách phòng ngừa ung thư cổ tử cung?

Ung thư cổ tử cung là bệnh lý có thể phòng ngừa hiệu quả bằng cách:

Tiêm vắc-xin HPV:

  • Độ tuổi khuyến cáo tiêm vắc-xin HPV là 9 – 26 tuổi. Hiệu quả cao nhất khi tiêm trước khi bắt đầu quan hệ tình dục, từ 9 – 14 tuổi, giúp giảm đến 90% nguy cơ UTCTC.
  • Khuyến cáo hiện nay của Tổ chức Y tế Thế giới WHO đã mở rộng tiêm vắc-xin HPV cho phụ nữ đến 27 – 45 tuổi.

Tầm soát định kỳ: Phát hiện sớm giúp điều trị kịp thời trước khi tổn thương tiến triển thành ung thư.

Các phương pháp tầm soát ung thư cổ tử cung phổ biến hiện nay:

Ba phương pháp tầm soát phổ biến hiện nay bao gồm: VIA, Pap smear, và HPV DNA.

1. VIA (Visual Inspection with Acetic Acid – Quan sát với acid acetic)

  • Phương pháp: Bác sĩ bôi dung dịch acid acetic 3–5% (giống giấm loãng) lên cổ tử cung, sau 1-2 phút, quan sát bằng mắt thường các vùng đổi màu bất thường ở cổ tử cung khi tiếp xúc với acid acetic để đánh giá nguy cơ ung thư cổ tử cung hoặc tổn thương tiền ung thư.

       – Kết quả dương tính: Xuất hiện vùng màu trắng bất thường (acetowhite) trên cổ tử cung.

       – Kết quả âm tính: Không thấy sự thay đổi màu sắc, bề mặt cổ tử cung trơn nhẵn.

  • Ưu điểm:
    • Nhanh, đơn giản
    • Chi phí rẻ
    • Phù hợp vùng khó khăn, không có điều kiện xét nghiệm
  • Hạn chế:
    • Độ chính xác thấp hơn (độ nhạy và đặc hiệu dao động ~50–60%)
    • Phụ thuộc nhiều vào kinh nghiệm người thực hiện

2. Xét nghiệm tế bào cổ tử cung (Pap smear)

  • Phương pháp: Bác sĩ dùng dụng cụ lấy mẫu tế bào từ cổ tử cung, sau đó quan sát dưới kính hiển vi để phát hiện các tế bào bất thường.
  • Có 2 phương pháp xét nghiệm tế bào cổ tử cung: Tế bào học theo phương pháp cổ điển (Pap smear cổ điển) và Tế bào học nhúng dịch (Liquid-based cytology, thường sử dụng xét nghiệm ThinPrep)
  • So sánh hai phương pháp:
Pap smear cổ điển (Conventional cytology) Tế bào học nhúng dịch

(LBC – Liquid-based cytology)

Nguyên lý Tế bào được phết trực tiếp lên lam kính Tế bào được rửa vào dung dịch bảo quản trước khi xử lý
Chất lượng tiêu bản Dễ bị khô, dính chồng, nhiều tạp chất Sạch hơn, ít tế bào chồng lấp, dễ đọc kết quả hơn
Tỷ lệ tiêu bản không đạt 5–15% <1–2%
Độ nhạy phát hiện tổn thương loạn sản (CIN2+) ~55–60% ~65–75%
Độ đặc hiệu ~90–95% ~90–95%
Khả năng kết hợp xét nghiệm HPV Không Có thể lấy cùng mẫu để xét nghiệm HPV DNA
Bảo quản mẫu Không thể tái sử dụng mẫu Mẫu có thể bảo quản trong lọ dịch, sử dụng lại nếu cần
Giá thành Thấp Cao hơn (khoảng 2–3 lần)
Yêu cầu trang thiết bị/kỹ thuật Đơn giản, phù hợp tuyến cơ sở Cần thiết bị chuyên dụng và kỹ thuật viên được đào tạo

3. Xét nghiệm HPV DNA (Xét nghiệm tìm virus gây ung thư cổ tử cung)

  • Phương pháp: Bác sĩ dùng dụng cụ lấy mẫu tế bào cổ tử cung, sau đó xét nghiệm kiểm tra sự hiện diện của các chủng HPV nguy cơ cao, đặc biệt là HPV 16, 18 – hai chủng gây hơn 70% các trường hợp ung thư cổ tử cung.
  • Ưu điểm:
    • Độ nhạy rất cao (~90–95%)
    • Có thể làm mỗi 5 năm/lần nếu kết quả âm tính
    • Phát hiện nguy cơ trước khi có tổn thương
  • Hạn chế:
    • Chi phí cao hơn
    • Không phát hiện tổn thương cụ thể, cần làm thêm xét nghiệm tế bào cổ tử cung nếu HPV dương tính

4. Xét nghiệm bộ đôi (Cotesting: Pap smear + HPV DNA)

Là phương pháp kết hợp đồng thời:

  • Xét nghiệm HPV DNA: phát hiện sự hiện diện của virus HPV nguy cơ cao
  • Xét nghiệm tế bào học cổ tử cung (Pap smear): phát hiện tế bào bất thường

Ưu điểm :

  • Độ nhạy cao nhất trong các phương pháp tầm soát (~95–98%) → phát hiện hầu hết các tổn thương CIN2+ (tổn thương tiền ung thư mức độ cao)
  • Giảm nguy cơ bỏ sót tổn thương: nếu một xét nghiệm âm tính giả, xét nghiệm còn lại có thể phát hiện được
  • Cho phép kéo dài khoảng cách tầm soát lên đến 5 năm nếu kết quả âm tính → giảm chi phí và tâm lý lo lắng cho bệnh nhân
  • Tăng hiệu quả trong quản lý các trường hợp có kết quả không điển hình

Nhược điểm:

  • Chi phí cao hơn so với chỉ làm Pap smear hoặc HPV DNA đơn lẻ
  • Tăng nguy cơ dương tính giả, dẫn đến lo lắng và can thiệp không cần thiết (đặc biệt nếu HPV dương tính nhưng tế bào học bình thường)
  • Cần trang thiết bị, phòng xét nghiệm hiện đại, không phù hợp ở những nơi thiếu nguồn lực

Cotesting là phương pháp an toàn, hiệu quả và có độ nhạy cao nhất trong tầm soát ung thư cổ tử cung hiện nay. Tuy nhiên, cần cân nhắc yếu tố chi phí, điều kiện trang thiết bị và khả năng tiếp cận của từng cơ sở y tế.

KHUYẾN CÁO:

  • Tổ chức Y tế Thế giới (WHO): Khuyến cáo ưu tiên xét nghiệm HPV DNA mỗi 5 năm cho phụ nữ bắt đầu từ 30 tuổi.
  • Bộ Y tế Việt Nam (2024): Khuyến cáo
Độ tuổi (nữ) Phương pháp – Khoảng cách tầm soát
< 21 Không tầm soát
21–25 Tế bào cổ tử cung mỗi 3 năm
25–65 – HPV DNA mỗi 5 năm (ưu tiên)

– hoặc Xét nghiệm bộ đôi Cotesting mỗi 5 năm (ưu tiên ≥ 30 tuổi)

– hoặc Tế bào cổ tử cung mỗi 3 năm

> 65 Có thể dừng sàng lọc nếu có 2 lần sàng lọc liên tiếp đúng chu kỳ trước đó âm tính.