CHÀO MỪNG NGÀY PHÁP LUẬT NƯỚC CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM

     

Theo quy định tại Điều 8 Luật Phổ biến, giáo dục pháp luật và Nghị định số 28/2013/NĐ-CP ngày 04/4/2013 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Phổ biến, giáo dục pháp luật: “Ngày 09/11 hằng năm là Ngày Pháp luật nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam”. Ngày Pháp luật được tổ chức nhằm tôn vinh Hiến pháp, pháp luật, giáo dục ý thức thượng tôn pháp luật cho mọi người trong xã hội đồng thời tăng cường nhận thức cho mỗi người về vai trò của luật pháp trong đời sống, tăng cường sự hiểu biết pháp luật và khả năng thực thi pháp luật trong hoạt động quản lý Nhà nước, hoạt động kinh tế – xã hội và sinh hoạt thường ngày của mỗi người dân.

Trên thế giới, hiện có nhiều nước tổ chức Ngày Pháp luật hay “Ngày Hiến pháp” như một ngày hội để “thượng tôn pháp luật”, tôn vinh Hiến pháp – đạo luật gốc của mỗi quốc gia. Trong ngày này, các luật gia, luật sư và các Hiệp hội nghề nghiệp về luật tổ chức nhiều hình thức phổ biến, giáo dục pháp luật trong cộng đồng với mục đích tăng cường nhận thức của mọi tầng lớp trong xã hội về vị trí, vai trò tối thượng, không thể thay thế của Hiến pháp, pháp luật trong đời sống kinh tế, chính trị, xã hội, đặc biệt là về các giá trị tự do, dân chủ, công lý, công bằng.

Ở Việt Nam, Luật phổ biến, giáo dục pháp luật 2013 quy định ngày 09/11 hàng năm là Ngày Pháp luật với dấu mốc đây là ngày ban hành bản Hiến pháp đầu tiên của Nhà nước dân chủ đầu tiên của Nhà nước ta, năm 1946, khởi đầu cho tiến trình xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân. Trong bản Hiến pháp này đã thấm nhuần, tinh thần, tư tưởng của Hồ Chí Minh về xây dựng Nhà nước pháp quyền, là sự khẳng định mạnh mẽ các giá trị dân chủ, dân quyền, thượng tôn pháp luật và còn tồn tại bền vững cho đến ngày hôm nay. Các giá trị đó thể hiện tập trung nhất tư tưởng Hồ Chí Minh về Nhà nước và pháp luật, được kế thừa trong các bản Hiến pháp năm 1959, 1980, 1992.

Ngày Pháp luật khơi dậy trong mỗi cá nhân công dân ý thức về trách nhiệm, bổn phận và quyền lợi của mình khi tham gia một cách tích cực vào các sinh hoạt của đời sống chính trị và xã hội. Do vậy, Ngày Pháp luật có ý nghĩa giáo dục sâu sắc trong việc đề cao giá trị của pháp luật trong Nhà nước pháp quyền, hướng mọi tổ chức, cá nhân tính tích cực tham gia với hành vi, thái độ xử sự pháp luật đúng đắn, đề cao quyền cũng như trách nhiệm, nghĩa vụ của cá nhân công dân trong học tập, tìm hiểu pháp luật và tự giác chấp hành pháp luật. Qua đó, góp phần nâng cao ý thức và niềm tin pháp luật, từng bước xây dựng và củng cố các giá trị văn hóa pháp lý trong cuộc sống xã hội. Bên cạnh đó, các tổ chức đoàn thể có thể xây dựng các mô hình, cách thức tuyên truyền pháp luật để kêu gọi nhân dân đồng sức đồng lòng xây dựng một nước Việt Nam dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh. Như vậy, Ngày Pháp luật Việt Nam không chỉ là ngày phát động toàn dân tuân thủ pháp luật mà còn là một sự kiện chính trị, pháp lý có ý nghĩa nhân văn, ý nghĩa xã hội sâu sắc

Đối với công tác phổ biến, giáo dục pháp luật, Ngày Pháp luật cũng là một trong những chế định quan trọng đặt tiền đề cho việc đổi mới tổ chức thực hiện công tác này. Ngày pháp luật được tổ chức nhằm tạo bước phát triển mới trong việc nâng cao hiệu quả công tác phổ biến, giáo dục pháp luật – một bộ phận của công tác giáo dục chính trị tư tưởng và là nhiệm vụ thường xuyên của toàn bộ hệ thống chính trị, các cấp, các ngành với mục tiêu cuối cùng là hỗ trợ và tạo điều kiện để mọi cá nhân, tổ chức biết sử dụng pháp luật làm phương tiện, công cụ bảo vệ quyền lợi và lợi ích hợp pháp của mình, của Nhà nước và xã hội.

Chủ đề Ngày pháp luật của Bệnh viện Ung bướu Đà Nẵng năm nay triển khai dựa trên các nhóm văn bản  sau:

Nhóm 1: Các văn bản pháp luật liên quan đến chủ đề năm 2023 của thành phố “ Năm tập trung khai thông các nguồn lực, thu hút đầu tư, giữ vững tăng trưởng kinh tế và bảo đảm an sinh xã hội”

Nhóm 2: Các văn bản pháp luật liên quan đến thực hiện Chương trình lớn của thành phố và phòng chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí.

Nhóm 3: Các văn bản được Quốc hội thông qua trong năm 2022 và năm 2023.

Mục đích chính của việc phổ biến, tuyên truyền các nhóm văn bản nêu trên đem lại các hiệu quả tích cực như:

– Thực hiện có hiệu quả, chất lượng và bảo đảm sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phổ biến giáo dục pháp luật theo tinh thần và nội dung nêu tại Kết luận số 80-KL/TW ngày 20/6/2020 của Ban Bí thư về tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 32-CT/TW ngày 09/12/2003 của Ban Bí thư Trung ương Đảng (khóa IX) về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng trong công tác phổ biến, giáo dục pháp luật, nâng cao ý thực chấp hành pháp luật của cán bộ, nhân dân trên địa bàn thành phố. Quyết định số 407/QĐ-TTg ngày 30/3/2022 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án “Tổ chức truyền thông chính sách có tác động lớn đến xã hội trong quá trình xây dựng văn bản quy phạm pháp luật giai đoạn 2022-2027”, Quyết định số 977/QĐ-TTg ngày 11/8/2022 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án “Tăng cường năng lực tiếp cận pháp luật của người dân”.

– Tập trung đẩy mạnh thực hiện Chỉ thị số 03/CT-UBND ngày 12/10/2019 của Chủ tịch UBND thành phố Đà Nẵng về việc nâng cao hiệu quả công tác phổ biến, giáo dục pháp luật trong thời gian đến trên địa bàn thành phố, hướng công tác phổ biến, giáo dục pháp luật đến cơ sở, phổ biến kịp thời và đầy đủ các nội dung pháp luật liên quan đến đời sống các tầng lớp Nhân dân.

– Tích cực thực hiện công tác phổ biến, giáo dục pháp luật để góp phần thực hiện hiệu quả vào sự phát triển kinh tế – xã hội của thành phố, nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) của thành phố Đà Nẵng.

– Kết hợp công tác phổ biến, giáo dục pháp luật với giáo dục đạo đức, nâng cao ý thức chấp hành pháp luật, đạo đức công vụ, trách nhiệm nghề nghiệp cho đội ngũ viên chức, người lao động thông qua hoạt động thực hiện công vụ kết hợp phổ biến, giáo dục pháp luật cho Nhân dân trên địa bàn thành phố Đà Nẵng; gắn kết chặt chẽ công tác kiểm tra, giám sát, điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án với việc tuyên truyền, phổ biến các quy định pháp luật có liên quan.

– Đưa pháp luật về y tế đến với mọi người trong xã hội, đặc biệt chú trọng đến các đối tượng có trách nhiệm thực hiện các văn bản quy phạm pháp luật về y tế để bảo đảm thực thi của pháp luật, góp phần thực hiện đúng pháp luật, hạn chế và ngăn ngừa các hành vi vi phạm pháp luật trong lĩnh vực y tế.

Hưởng ứng  Ngày Pháp luật Việt Nam 09/11 là cơ sở để triển khai thực hiện có hiệu quả, thiết thực hơn Kế hoạch phổ biến giáo dục pháp luật năm 2023 của Bệnh viện, góp phần vào thành quả chung của công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa của cả năm nay và trong những năm tiếp theo.

P. TCCB