Chăm sóc bệnh nhân sau hóa trị ung thư phổi

Hóa trị là một trong các phương án điều trị ung thư mà bệnh nhân sẽ được dùng thuốc đưa vào cơ thể để diệt tế bào ung thư. Có thể cho nhiều thuốc cùng một lúc, được gọi là hóa trị kết hợp, đôi khi chỉ dùng một loại thuốc. Có thể dùng hóa trị trước hay sau khi phẫu thuật hay xạ trị ở giai đoạn sớm, hoặc cùng lúc với xạ trị hoặc là phương pháp điều trị chính trong giai đoạn muộn. Chăm sóc người thân trong quá trình trải qua hóa trị liệu thực sự là một nhiệm vụ khó khăn. Sau khi truyền hóa chất bệnh nhân có thể bị rụng tóc, buồn nôn, nôn, mệt mỏi và các phản ứng phụ khó chịu khác và họ sẽ cần sự giúp đỡ của bạn để vượt qua. Tuy nhiên, việc chăm sóc người thân trong khi điều trị hóa chất sẽ ít căng thẳng hơn nếu bạn biết phải làm gì.

Hóa trị hoạt động như thế nào?

Hóa trị hoạt động bằng cách gây hại cho các tế bào ung thư và cố gắng tiêu diệt chúng. Liệu pháp này cũng gây hại hoặc làm hỏng một số tế bào khỏe mạnh bình thường. Điều này là do hóa trị không phải lúc nào cũng có thể phân biệt được sự khác biệt giữa tế bào bình thường và tế bào ung thư. Tuy nhiên, các tế bào bình thường sẽ phục hồi hoặc được thay thế bằng các tế bào mới, khỏe mạnh sau một thời gian. Bác sĩ chuyên khoa ung thư sẽ cùng thảo luận với bạn về kế hoạch điều trị dựa trên loại ung thư phổi (tế bào nhỏ hay không tế bào nhỏ), giai đoạn bệnh, tình trạng sức khoẻ, mục đích điều trị, và điều kiện tài chính, bảo hiểm của bạn.

Tác dụng phụ của hóa trị

Hóa trị ảnh hưởng đến mọi người theo những cách khác nhau. Hóa trị gây hại cho một số tế bào khỏe mạnh bình thường, do đó có thể gây ra các tác dụng phụ. Vì các tác dụng phụ là tùy thuộc vào loại hóa trị nên không phải tất cả những người nhận hóa trị đều sẽ có cùng các phản ứng phụ. Bạn cảm thấy thế nào tùy thuộc vào tình trạng sức khỏe của bạn trước khi điều trị, loại ung thư của bạn, mức độ tiến triển của nó, loại hóa trị bạn đang nhận và liều lượng. Các bác sĩ và y tá không thể biết chắc chắn bạn sẽ cảm thấy như thế nào trong quá trình hóa trị.

Một số tác dụng phụ có thể xảy ra trong hoặc ngay sau khi thực hiện hóa trị, trong khi những tác dụng phụ khác có thể xảy ra muộn hơn. Một số tác dụng phụ phổ biến bao gồm:

– Buồn nôn hay ói mửa
– Rụng tóc
– Tiêu chảy hoặc táo bón
– Cảm thấy yếu và mệt mỏi
– Sốt hoặc ớn lạnh
– Số lượng tế bào máu thấp có thể tăng nguy cơ bị nhiễm trùng hay chảy máu
– Thay đổi khẩu vị hoặc giảm cảm giác thèm ăn
– Các vấn đề về da
– Đau miệng hoặc lở loét ở miệng

An toàn tại nhà trong và sau khi điều trị hóa trị

Hóa trị bằng thuốc uống:
            – Uống thuốc viên theo đúng hướng dẫn của bác sĩ.
– Cất giữ thuốc ở nơi an toàn để trẻ em và thú cưng không với tới được.
– Không nhai, cắn vỡ hoặc nghiền thuốc viên.

– Người khác nên đeo bao tay nếu họ cần phải giúp quý vị uống thuốc.

Sau khi được hóa trị, bạn và những người chăm sóc của bạn cần được chăm sóc để ngăn ngừa tiếp xúc với dịch cơ thể của bạn, bao gồm nước tiểu, phân, mồ hôi, chất nhầy, máu, chất nôn, và tiếp xúc qua quan hệ tình dục. Bác sĩ hoặc y tá của bạn sẽ đề xuất các biện pháp an toàn tại nhà mà bạn và những người chăm sóc của bạn nên làm theo, chẳng hạn như:

– Đóng nắp và xả hai lần sau khi đi vệ sinh; Ngồi vào bồn cầu để đi tiểu, nếu bạn là nam; Lau sạch các vết bắn từ bồn cầu bằng khăn tẩy; Mặc tã nếu đại tiểu tiện không tự kiểm soát được và đeo găng tay khi xử lý.

– Sử dụng găng tay khi tiếp xúc với dịch cơ thể và rửa tay sau khi cởi găng; Rửa tay bằng xà phòng và nước sau khi đi vệ sinh.

– Giặt riêng khăn bị dính dịch cơ thể.

– Sử dụng bao cao su khi quan hệ tình dục.

Cân bằng cơ thể của mình trong quá trình hóa trị?

Tại một số thời điểm trong quá trình hóa trị, bạn có thể cảm thấy bực bội, bất lực, cô đơn, lo lắng, chán nản, sợ hãi, giận dữ. Những điều bạn nên làm:

– Thư giãn, tập thể dục và nói chuyện với những người xung quanh, với người mà bạn tin tưởng, chẳng hạn như một người bạn thân, thành viên gia đình, nhân viên y tế hoặc nhân viên công tác xã hội.

– Cơ thể bạn sẽ cần rất nhiều năng lượng để đối phó với ảnh hưởng của bệnh ung thư phổi và các tác dụng phụ sau hóa trị. Trong thời gian này phải đảm bảo ăn đủ chất và uống đủ nước. Những bữa ăn nên có hương vị nhẹ và mềm, trong trường hợp bạn có các tác dụng phụ như đau họng, lở miệng, hoặc đau dạ dày.

– Ăn nhiều bữa ăn nhỏ trong ngày ngoài 3 bữa ăn chính, ăn món yêu thích của bạn bất kỳ thời gian nào trong ngày, ăn mỗi vài giờ, đừng đợi đến khi cảm thấy đói.

– Cố gắng ăn, uống thực phẩm nhiều đạm: cá, thịt gia cầm, thịt nạc đỏ, trứng, sữa nguyên chất, sữa chua, pho mát, các loại hạt và bơ hạt, đậu, đậu Hà Lan, đậu lăng, đậu nành,… và cao năng lượng như: bơ, sữa, đồ ngọt (thạch, mứt, mật ong,…)

– Tập thể dục nhẹ và đi bộ trước mỗi bữa ăn để tăng cảm giác ngon miệng

            – Cơ thể của bạn sẽ cần nhiều nước để khỏe mạnh, phục hồi sau các tác dụng phụ như nôn mửa hoặc tiêu chảy, và để thải bất kỳ sản phẩm phụ có hại nào của thuốc. Cơ thể rất dễ vô tình bị mất nước, vì vậy hãy uống nhiều nước-khoảng 2 lít mỗi ngày. Bạn có thể uống nước, sữa và nước trái cây cũng như các loại thực phẩm có chứa nước, như súp, kem que. Tránh xa đồ uống có chứa caffeine, như trà, cà phê và một số loại nước ngọt.

Quản lý các triệu chứng thường gặp

            Đau: có nhiều cách để giảm đau như thủ thuật y tế, thuốc, xạ trị giảm nhẹ, hóa trị, các liệu pháp khác như châm cứu và xoa bóp và thiền định. Bác sĩ của bạn sẽ giúp bạn tìm các phương pháp tiếp cận hữu ích nhất cho bạn và có thể thảo luận với bạn lợi ích và nguy cơ của chúng. Điều rất quan trọng là bạn không phải trải qua điều này một mình.

            Khó thở: tùy thuộc vào nguyên nhân bác sĩ có thể sẽ sử dụng kết hợp các phương pháp điều trị khác nhau như thuốc giảm đau opioid; hoặc bạn có thể trải qua các đợt điều trị hoặc các thủ thuật để thu nhỏ hoặc tiêu diệt các khối u để làm thông thoáng đường thở của bạn, hoặc có thể sẽ phải chọc tháo dịch nếu có tích tụ nhiều dịch trong khoang màng phổi. Bạn cũng có thể thở oxy, hoặc dùng thuốc để giúp bạn thư giãn và bớt lo lắng, ngoài ra các bài tập nhẹ có thể cải thiện lượng oxy trong máu của bạn. Bạn cũng nên tránh hút thuốc và nơi hút thuốc.

            Mệt mỏi: là một triệu chứng rất phổ biến của bệnh ung thư phổi cũng như là một tác dụng phụ của hóa trị. Các triệu chứng phổ biến của ung thư phổi như khó thở, ho, giảm cân và mất ngủ có thể làm cho tình trạng mệt mỏi trở nên trầm trọng hơn. Hãy tử tế và nhẹ nhàng với chính mình vào lúc này. Hãy đảm bảo bạn ăn uống đầy đủ và đủ chất. Cho bản thân có đủ thời gian để làm những việc bạn cần làm và những việc bạn yêu thích làm. Đừng ép bản thân thực hiện quá nhiều hoạt động. Nghỉ ngơi trong thời gian ngắn và ngủ đủ. Đôi khi, không làm gì cả ngày có thể khiến cảm giác mệt mỏi trở nên tồi tệ hơn; một thói quen tập thể dục nhẹ nhàng thường xuyên, như đi bộ nhẹ, có thể hữu ích. Hoạt động vừa phải đến 30 phút một ngày có thể làm giảm mệt mỏi.

            Ho: ho có thể do khối u kích thích đường thở, tắc nghẽn đường thở, viêm phổi và dịch trong khoang màng phổi. Tùy thuộc vào nguyên nhân, có một số cách khác nhau để điều trị ho, bao gồm làm sạch tắc nghẽn đường thở hoặc sử dụng thuốc kháng sinh, thuốc giảm ho, và thuốc opioid. Ở nhà, bạn có thể thử sử dụng máy tạo độ ẩm để giảm bớt ho của bạn.

 

Các cuộc hẹn tái khám

Sau khi hóa trị liệu kết thúc, bạn sẽ có các cuộc hẹn tái khám thường xuyên với bác sĩ để theo dõi sức khỏe của bạn, quản lý bất kỳ tác dụng phụ lâu dài và kiểm tra xem ung thư có tái phát, tiến triển hoặc lây lan hơn hay không. Trong những lần kiểm tra này, bạn thường sẽ được khám, xét nghiệm máu, chụp x-quang hoặc chụp cắt lớp, cộng hưởng từ.

Khi nào hãy gọi cho bác sĩ

– Khi hơi thở của bạn trở nên khó khăn hơn, ồn ào hơn.

– Cùng với các vấn đề về hô hấp, bạn cảm thấy chóng mặt hoặc nhận thấy sự gia tăng nhịp tim hoặc da của bạn rất nhợt nhạt.

– Đau nhức nhiều không kiểm soát được bằng thuốc giảm đau thông thường.

– Bạn bị sốt từ 38° C trở lên.

– Bạn bị ho mới xuất hiện hoặc nặng hơn.

– Sưng, đau nhức miệng nhiều, không ăn uống được.

Tài liệu tham khảo

  1. European Society for Medical Oncology (2019). Non-small-cell lung cancer (NSCLC). An ESMO guide for patients
  2. Cancer Council Australia (2020). Understanding Chemotherapy. A guide for people with cancer, their families and friends
  3. National Cancer Institute (2018). Support for people with cancer. Chemotherapy and you.
  4. Lung Cancer Canada (2017). Patient’s guide to lung cancer.

Nội dung: ThS. BS. Phạm Thuyên

Chỉnh sửa và biên tập: TS. BS. Nguyễn Phạm Thanh Nhân