TÌM HIỂU VỀ UNG THƯ PHỔI

TẦM SOÁT UNG THƯ PHỔI LÀ GÌ?
Tầm soát ung thư phổi là sử dụng các phương pháp để phát hiện sự hiện diện của ung thư phổi ở những người khoẻ mạnh có nguy cơ mắc ung thư phổi cao.
Xét nghiệm tầm soát được đề nghị đối với bệnh ung thư phổi là chụp cắt lớp vi tính liều thấp (còn gọi là chụp CT liềuấp hoặc LDCT). Trong quá trình quét LDCT, bạn nằm trên bàn và máy chụp CT-Scan sử dụng liều (lượng) bức xạ thấp để tạo ra hình ảnh chi tiết về phổi của bạn. Quá trình quét chỉ mất vài phút và không gây đau đớn.

VÌ SAO NÊN TẦM SOÁT UNG THƯ PHỔI?
Theo số liệu thống kê, ung thư phổi đứng thứ hai về tỷ lệ mắc mới và là nguyên nhân gây tử vong nhiều nhất trong số các bệnh ung thư trên toàn thế giới.
Vào thời điểm khi đã xuất hiện các dấu hiệu và triệu chứng của ung thư phổi thì thường bệnh ở giai đoạn phát triển, quá muộn để điều trị khỏi bệnh. Các nghiên cứu cho thấy tầm soát ung thư phổi làm giảm nguy cơ tử vong.
Mục tiêu của tầm soát ung thư phổi là phát hiện ung thư ở giai đoạn rất sớm – khi bệnh có nhiều khả năng được chữa khỏi.

Hút thuốc lá là yếu tố nguy cơ hàng đầu gây ung thư phổi. Khói thuốc chứa các chất gây ung thư, ngay cả những người hút thuốc thụ động cũng có nguy cơ cao mắc bệnh rất cao.

AI NÊN XEM XÉT TẦM SOÁT UNG THƯ PHỔI?
Tầm soát ung thư phổi thường khuyến cáo cho những người có nguy cơ mắc cao nhất, bao gồm:
– Người đang hoặc đã từng hút thuốc từ 50 tuổi đến 80 tuổi.
– Người hút thuốc lá nhiều năm có thể cân nhắc tầm soát ung thư phổi nếu có tiền sử hút thuốc từ 20 gói.năm trở lên.
+ Đơn vị tính gói.năm được tính bằng cách nhân số gói thuốc lá hút mỗi ngày với số năm hút thuốc (Ví dụ, một người có tiền sử hút thuốc 20 gói.năm có thể hút một gói/ngày trong 20 năm, hai gói/ngày trong 10 năm hoặc nửa gói/ngày trong 40 năm.)
 Ngay cả khi thói quen hút thuốc thay đổi qua nhiều năm thì lịch sử hút thuốc trước đây có thể được sử dụng để xác định xem việc tầm soát ung thư phổi.
– Những người đã từng hút thuốc nhiều nhưng đã bỏ thuốc trong 15 năm qua, cũng có thể cân nhắc tầm soát ung thư phổi.
– Người có tiền sử ung thư phổi và đã được điều trị ung thư phổi hơn 5 năm trước có thể cân nhắc tầm soát ung thư phổi.
– Những người có các yếu tố nguy cơ khác gây ung thư phổi bao gồm những người mắc bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính (COPD), những người có tiền sử gia đình mắc bệnh ung thư phổi và những người đã tiếp xúc với các chất độc hại trong thời gian dài (amiăng, cadimi, niken, crom, uranium, thạch tín…) tại nơi làm việc.
Tầm soát ung thư phổi được khuyến cáo cho những người có tình trạng sức khoẻ tổng quát tốt nhưng có liên quan đến các yếu tố nguy cơ. Nếu người đang có vấn đề sức khoẻ nghiêm trọng có thể ít được hưởng lợi từ việc tầm soát ung thư phổi và có nhiều khả năng gặp các biến chứng từ các xét nghiệm tiếp theo.

CÁC PHƯƠNG PHÁP TẦM SOÁT UNG THƯ PHỔI:
Các xét nghiệm được sử dụng để tầm soát ung thư phổi khi một người không có triệu chứng phải đảm bảo có ít tác hại nhất và có nhiều lợi ích nhất. Bao gồm:
– Chụp cắt lớp vi tính lồng ngực liều thấp (LDCT):
Thường được khuyến nghị trong tầm soát ung thư phổi. Máy CT-Scan sử dụng lượng bức xạ liều thấp chụp ảnh chi tiết phổi và quá trình chụp chỉ mất vài phút, không gây đau đớn. Tầm soát bằng LDCT mỗi năm một lần trong ba năm tốt hơn so với chụp X-quang ngực trong việc phát hiện ung thư phổi ở những người nghiện thuốc lá nặng hiện tại và trước đây.
Những người đang hút thuốc có kết quả chụp LDCT cho thấy các dấu hiệu ung thư có thể có nhiều khả năng bỏ thuốc lá hơn.
– Chụp X-Quang ngực:
Đánh giá các cơ quan và xương bên trong ngực. Tuy nhiên, chụp X-quang ngực không thể đưa ra chẩn đoán chính xác vì thông thường không thể phân biệt giữa ung thư với các bệnh lý khác của phổi.
– Xét nghiệm tế bào học đờm:
Xét nghiệm tế bào học đờm là một xét nghiệm trong đó một mẫu đờm (chất nhầy được ho ra từ phổi) được xem dưới kính hiển vi để kiểm tra có hiện diện của tế bào ung thư hay không.
Chụp X-quang ngực và xét nghiệm tế bào đờm là hai xét nghiệm tầm soát đã được sử dụng để kiểm tra các dấu hiệu ung thư phổi.
– Nội soi phế quản:
Nội soi phế quản là một thủ thuật nhằm quan sát bên trong phổi. Nội soi phế quản có thể được sử dụng để đánh giá vị trí bất thường trên chẩn đoán hình ảnh. Bất kỳ vị trí bất thường nào trong đường dẫn khí qua soi phế quản đều có thể được tiến hành sinh thiết để tìm xem có phải là ung thư hay không.
– Sinh thiết phổi:
Các mẫu mô phổi nghi ngờ được lấy ra (bằng kim sinh thiết đặc biệt hoặc trong khi phẫu thuật) để xác định xem có bệnh phổi hoặc ung thư hay không.

Nếu lo lắng về nguy cơ bị ung thư phổi, bạn nên trao đổi với bác sĩ về việc có đủ tiêu chí để tầm soát ung thư phổi hay không. Các tiêu chí dựa trên độ tuổi, tiền sử hút thuốc và các yếu tố rủi ro khác.
Nếu bạn có các yếu tố nguy cơ cao, bác sĩ sẽ thảo luận để đưa ra quyết định chung với bạn để giúp bạn quyết định xem bạn có muốn sàng lọc ung thư phổi hay không.
Bạn sẽ được tư vấn về lợi ích và rủi ro của việc tầm soát ung thư phổi cũng như những gì bạn có thể mong đợi từ quá trình tầm soát này.