VAI TRÒ CỦA LIỆU PHÁP NHẮM TRÚNG ĐÍCH TRONG ĐIỀU TRỊ UNG THƯ PHỔI CÓ ĐỘT BIẾN EGFR

            Ung thư phổi là loại ung thư có tỷ lệ mắc mới và tỷ lệ tử vong cao nhất trên thể giới. Ở Việt Nam, ung thư phổi đứng thứ hai sau ung thư gan, theo thống kê năm 2020, tỷ lệ mắc mới ung thư phổi là 26.262 ca (14.4%) và tỷ lệ tử vong là 18.685 ca, chiếm 18.9% trong tổng các ca tử vong vì nguyên nhân ung thư. Các trường hợp mắc mới ở nước ta, đa phần được phát hiện ở giai đoạn muộn khi bệnh đã tiến triển tại chỗ, tại vùng hoặc di căn xa dẫn tới khó khăn trong việc điều trị cũng như thời gian sống còn của bệnh nhân ngắn. Ung thư phổi được chia thành hai nhóm chính là ung thư phổi tế bào nhỏ (10-15%) và ung thư phổi không tế bào nhỏ (80-85%). Ung thư phổi không tế bào nhỏ bao gồm ung thư biểu mô tuyến, ung thư biểu mô vẩy và một số ít là ung thư tế bào lớn. Diễn tiến âm thầm và tiên lượng xấu là những đặc điểm quan trọng của loại bệnh này.

Liệu pháp nhắm trúng đích trong ung thư phổi không tế bào nhỏ

Hơn 50% trường hợp bệnh nhân ung thư phổi không tế bào nhỏ (UTPKTBN) khi chẩn đoán đã ở giai đoạn di căn, tức các tế bào ung thư đã lan tràn ở phổi và các cơ quan khác của cơ thể và tiên lượng khả năng sống được 5 năm của các trường hợp này rất thấp, chỉ khoảng 6%. Mục tiêu điều trị ở giai đoạn tiến triển tại vùng, di căn xa là kéo dài thời gian sống thêm không bệnh, thời gian sống thêm toàn bộ cũng như nâng cao chất lượng cuộc sống cho người bệnh. Phương pháp điều trị nhắm trúng đích là phương pháp điều trị tác động chính xác lên tế bào khối u, lên quá trình chuyển hóa trong tế bào khối u mà ít tác động lên tế bào lành, ít gây ra tác dụng phụ cho người bệnh và hiệu quả cho bệnh nhân giai đoạn di căn giúp giảm nhẹ triệu chứng, cải thiện chất lượng cuộc sống, làm chậm diễn tiến của khối bướu và kéo dài thời gian sống thêm cho bệnh nhân. Người ta gọi nó là điều trị đích, giống như mũi tên nhắm vào đích bắn vậy. Điều trị đích trong ung thư phổi được nghiên cứu đầu tiên vào những năm đầu của thế kỷ XXI, và trong khoảng 10 năm trở lại đây là kỷ nguyên của nó với việc phát triển hàng loạt các thuốc điều trị đích giúp nâng cao hiệu quả điều trị cho người bệnh.

Cơ chế phân tử của điều trị nhắm trúng đích là tác động vào các phân tử đặc hiệu cần thiết cho quá trình sinh ung thư và phát triển khối u (Các oncogenes và những protein tạo ra bởi các oncogenes này); tác động vào các thụ thể nằm trên màng tế bào hoặc trong tế bào, bao gồm:

– Kháng thể đơn dòng (monoclonal antibodies): là liệu pháp điều trị trúng đích tác động trên thụ thể phần ngoài màng tế bào.

– Thuốc trọng lượng phân tử nhỏ (small molecule medicines): Tác động vào thụ thể từ bên trong tế bào. Các thuốc này dành cho nhóm bệnh nhân có đột biến gen với các dấu ấn sinh học đặc trưng.

Liệu pháp nhắm trúng đích trong điều trị ung thư phổi có đột biến EGFR

  1. Đột biến gen EGFR

EGFR (epidermal growth factor receptor- thụ thể của yếu tố tăng trưởng biểu bì) là một protein trên tế bào giúp truyền các tín hiệu tử ngoài tế bào vào trong nhân giúp tế bào phát triển. Đột biến gen EGFR khiến tế bào phát triển quá mức, không chết theo chương trình, có thể dẫn tới việc hình thành khối u. Có rất nhiều loại đột biến gen EGFR được phát hiện, tuy nhiên khoảng 90% trường hợp là đột biến mất đoạn trên exon 19 và đột biến điểm trên exon 21-L858R. Tỷ lệ đột biến EGFR ở người da trắng, châu Âu chỉ khoảng 10-20% còn ở người châu Á là khoảng 40-60%, đặc biệt ở nữ giới, không hút thuốc lá. Ở Việt Nam, tùy theo nghiên cứu mà tỷ lệ đó cũng rơi vào khoảng 30-60%. Đối với ung thư phổi, đột biến gen EGFR là đích nhắm điều trị đầu tiên được chấp thuận và hiện vẫn tiếp tục được nghiên cứu đến ngày nay.Các thuốc nhắm trúng đích EGFR ức chế cạnh tranh với ATP tại vị trí gắn ATP ở phần nội bào của EGFR dẫn tới ức chế quá trình phosphorin hóa nội bào, ức chế tế bào khối u nhân lên, tăng chết theo chương trình do đó có tác dụng ức chế khối u phát triển.

  1. Các thuốc điều trị nhắm trúng đích EGFR hiện nay

Đến hiện tại đã có 3 thế hệ thuốc tác động lên đích EGFR được nghiên cứu và sử dụng trong lâm sàng:

– Thế hệ 1 gồm 2 thuốc là Erlotinib, Gefitinib. Các thuốc dạng viên, được dùng đường uống, được sử dụng đến khi bệnh không còn đáp ứng với thuốc hoặc khi độc tính của thuốc mang lại mà người bệnh không chấp nhận được. Cả hai thuốc có hiệu quả điều trị tương đương nhau, giúp cải thiện chất lượng cuộc sống, tăng tỉ lệ đáp ứng bướu, kéo dài thời gian bệnh không tiến triển thêm 5-6 tháng so với hóa trị. Ưu điểm của nhóm thuốc này là an toàn, ít tác dụng phụ, chủ yếu là nổi ban da nếu sử dụng Erlotinib hoặc tăng men gan nếu sử dụng Gefitinib.

– Thế hệ thứ hai có hai thuốc là Afatinib và Dacomitinib, trong đó tại Việt Nam, thuốc được Bộ y tế chấp thuận điều trị là Afatinib. Theo nghiên cứu cho thấy Afatinib có hiệu quả cao trên nhóm có di căn não và nhóm có đột biến hiếm như L861Q, G719X và S768I. Bên cạnh các thế mạnh đã nêu, những trường hợp sử dụng nhóm thuốc thế hệ 2 thường phải chịu đựng nhiều độc tính hơn (như tiêu chảy, nổi ban da, viêm ruột, viêm da) và các độc tính đó thường ở mức độ nặng hơn so với nhóm thuốc thế hệ 1.

– Thế hệ thuốc thứ ba, thuốc Osimertinib ban đầu được nghiên cứu sử dụng ở những bệnh nhân kháng với điều trị thuốc thế hệ một mà có đột biến thứ phát T790M trên gen EGFR. Về sau, thuốc được sử dụng trong bước đầu điều trị những bệnh nhân ung thư phổi không tế bào nhỏ giai đoạn tiến xa, di căn có đột biến EGFR nhạy cảm.

Việc sử dụng các thuốc điều trị nhắm trúng đích EGFR đã giúp cải thiện thời gian sống thêm không bệnh khi so sánh với điều trị hóa chất. Và đặc biệt, Osimertinib là thuốc đầu tiên đã chứng minh giúp kéo dài thời gian sống thêm toàn bộ với trung vị thời gian sống thêm toàn bộ là 38.6 tháng. Từ những kết quả nghiên cứu đã được công bố, các thuốc trên đã được Bộ Y tế chấp thuận trong điều trị bước 1 hoặc bước 2 sau tiến triển với hóa chất ở bệnh nhân ung thư phổi không tế bào nhỏ giai đoạn tiến xa, di căn và được khuyến cáo là lựa chọn điều trị ưu tiên ở những bệnh nhân có đột biến EGFR nhạy cảm thuốc. Tác dụng không mong muốn của các thuốc điều trị đích chủ yếu là tác dụng phụ lên da như nổi ban da, viêm kẽ móng, viêm miệng, tiêu chảy, tăng men gan và hầu hết các tác dụng không mong muốn ở mức độ nhẹ và người bệnh thường không phải dừng điều trị.

Lưu ý khi sử dụng thuốc trúng đích trong điều trị ung thư phổi có đột biến EGFR

Khi bạn dùng thuốc điều trị đích, bác sĩ thường khuyên sẽ uống vào cùng một giờ trong ngày để tránh quên thuốc. Mỗi lần tái khám, bác sĩ sẽ đánh giá về các triệu chứng bệnh, các tác dụng phụ của thuốc và sau khoảng 2-3 tháng điều trị, bạn sẽ được chỉ định chụp cắt lớp vi tính/ cộng hưởng từ để đánh giá đáp ứng điều trị. Trường hợp bệnh đáp ứng với thuốc, bạn sẽ được chỉ định tiếp tục điều trị thuốc đích. Trong trường hợp bệnh tiến triển và các triệu chứng lâm sàng của bạn tăng lên, bác sĩ sẽ xác định có gen đột biến thứ phát T790M hay không. Có khoảng 50% trường hợp kháng thuốc thứ phát do có đột biến T790M và được hưởng lợi từ việc sử dụng thuốc Osimertinib.

Các nghiên cứu phát triển các thuốc điều trị đích EGFR đã mở ra một chương mới trong điều trị ung thư phổi, hiệu quả điều trị cao, dùng thuốc đường uống, ít tác dụng phụ đã mang lại nhiều thuận lợi cho người bệnh, không chỉ kéo dài thời sống thêm không bệnh mà còn nâng cao chất lượng cuộc sống cho bệnh nhân. Dù hiện tại, giá thành vẫn là rào cản để bệnh nhân có thể tiếp cận được. Nhưng hi vọng trong tương lai, có nhiều đột biến gen mới được phát hiện, giá thành thuốc hạ để mang đến nhiều cơ hội chữa bệnh và lợi ích về bệnh cho bệnh nhân hơn nữa.

Tài liệu tham khảo

  1. Hướng dẫn chẩn đoán và điều trị ung thư phổi không tế bào nhỏ, Bộ Y tế, 2018.
  2. Suresh S Ramalingamet al., Osimertinib in Untreated EGFR-Mutated Advanced Non–Small-Cell Lung Cancer. N Engl J Med.2020
  3. Shi Y, Au JS, Thongprasert S, et al. A prospective, molecular epidemiology study of EGFR mutations in Asian patients with advanced non-small-cell lung cancer of adenocarcinoma histology (PIONEER). J ThoracOncol 2014; 9:154
  4. GLOBOCAN. International agency for research on cancer, 2020.

Nội dung: ThS.BSNT. Nghiêm Trần Vượng

Chỉnh sửa: TS. BS. Nguyễn Phạm Thanh Nhân