Ung thư phổi là bệnh lý ác tính thường gặp và là nguyên nhân gây tử vong hàng đầu ở cả hai giới của tất cả các nước trên thế giới. Hiện nay y học có nhiều tiến bộ, nhiều phương pháp điều trị mới đối với ung thư phổi đem lại hiệu quả vượt bậc. Các phương pháp điều trị gồm: phẫu thuật, xạ trị, hóa trị liệu, điều trị đích và miễn dịch. Có thể điều trị đơn thuần một phương pháp hoặc kết hợp nhiều phương pháp với nhau dựa vào nhiều yếu tố như giai đoạn bệnh, thể trạng bệnh nhân, loại mô bệnh học, đột biến gen…
Mỗi phương pháp điều trị sẽ có những tác dụng không mong muốn riêng mà bệnh nhân cần phải nắm được để trao đổi kịp thời với bác sỹ điều trị của mình.
- Phẫu thuật
Ung thư phổi thường được điều trị bằng phẫu thuật trong giai đoạn đầu. Nhìn chung, mức độ nghiêm trọng của các biến chứng xuất phát từ phẫu thuật phụ thuộc vào sức khỏe tổng thể của người bệnh. Tác dụng phụ của phẫu thuật để điều trị ung thư phổi có thể bao gồm: đau, khó thở trong quá trình gắng sức, nấc và các tác dụng phụ này có thể điều trị bằng thuốc và phục hồi chức năng sau phẫu thuật.
- Xạ trị
Các tác dụng phụ thường bắt đầu một tuần sau khi bắt đầu xạ trị. Chúng dần trở nên nặng hơn trong quá trình điều trị và trong vài tuần sau khi điều trị kết thúc. Nhưng các tác dụng phụ này thường bắt đầu cải thiện sau khoảng 2 tuần. Những tác dụng phụ của xạ trị ung thư phổi có thể gặp như chán ăn, khó nuốt, đau cổ họng; da bị bỏng rát, phồng rộp, viêm loét da; có thể gây ra mô sẹo; viêm thực quản, viêm phổi.
Tăng cường sức khỏe, nâng cao sức đề kháng của cơ thể bằng cách tập thể dục nhẹ nhàng, chế độ ăn uống sinh hoạt lành mạnh. Sử dụng các loại kem bôi giúp dưỡng da, khắc phục tình trạng tổn thương da. giúp quá trình xạ trị hiệu quả hơn, giảm những tác dụng phụ của xạ trị ung thư có thể mang đến.
- Hoá trị
Hóa trị là phương pháp điều trị phổ biến trong các bệnh ung thư nói chung và ung thư phổi nói riêng. Đây là phương pháp điều trị ung thư toàn thân, do đó nó không chỉ tác động đến các tế bào ung thư mà còn ảnh hưởng đến những tế bào bình thường khác trong toàn bộ cơ thể. Tác dụng phụ của hóa chất khác nhau tùy vào bệnh nhân, loại thuốc và liều dùng, cũng như tình trạng sức khỏe bệnh nhân. Một số các tác dụng phụ thường gặp:
– Nhiễm trùng: hóa trị liệu có thể giết chết các tế bào miễn dịch khỏe mạnh, vì vậy nó có thể dẫn đến khả năng nhiễm trùng cao hơn. Giữ vệ sinh sạch sẽ, rửa tay thường xuyên, trách các nơi tụ tập đông người, ăn chín uống sôi, , bổ sung các thực phẩm giàu kẽm. Kiểm tra thân nhiệt hàng ngày, nếu có sốt sau hóa trị phải báo cho bác sĩ điều trị.
– Mệt mỏi: là một trong những tác dụng phụ phổ biến nhất của hóa trị liệu. Ngoài tác dụng phụ của hóa trị, bệnh nhân ung thư bị mệt mỏi có thể do ăn kém, ngủ không đủ, giảm bạch cầu hạt. Để phòng ngừa nên tránh thực hiện các hoạt động nặng thay vào đó là tập thể dục nhẹ, chẳng hạn như đi bộ hoặc yoga, các bài tập thư giãn.
– Mất cảm giác ngon miệng: cách khắc phục thay vì ba bữa ăn lớn mỗi ngày, hãy chia thành 5, 6 bữa nhỏ. Tránh thức ăn dầu mỡ, mặn, ngọt, hoặc thức ăn nặng mùi có thể khiến bạn cảm thấy buồn nôn. Hãy thử ăn các bữa ăn lạnh và cố gắng uống nhiều nước.
– Rụng tóc: Tác dụng phụ mà hầu hết mọi người nghĩ đến khi hóa trị là rụng tóc, điều này có thể gây mặc cảm cho người bệnh, đặc biệt là phụ nữ. Nó có thể khiến bạn cảm thấy tốt hơn nếu cắt tóc hoặc cạo tóc trước khi tóc bắt đầu rụng dần.
– Nôn và buồn nôn: tình trạng bắt đầu trong quá trình hoá trị và có thể kéo dài vài ngày sau đó. Uống nhiều nước mỗi ngày, thay đổi chế độ ăn chia làm 6-8 bữa/ngày, ăn trước khi quá đói, ăn các loại thực phẩm khô như ngũ cốc, bánh mì nướng hoặc bánh quy vào buổi sáng, tránh các bữa ăn nặng, béo và dầu mỡ ngay trước khi hóa trị. Nếu nôn 4-5 lần/ngày nên gặp bác sĩ điều trị để dùng thuốc chống nôn phù hợp
– Thiếu máu: hóa trị làm giảm lượng tế bào hồng cầu dẫn đến thiếu máu. Ngăn ngừa thiếu máu bằng việc bổ sung sắt vào chế độ ăn. Thực phẩm nhiều chất sắt bao gồm: thịt bò, thịt lợn và các loại hạt khô, gạo nâu, ngũ cốc, rau cải xoong và cải xoăn…
- Điều trị đích
Điều trị đích (Targeted Therapy) là một phương pháp điều trị ung thư cho thấy hiệu quả điều trị rất khả quan so với các liệu pháp hóa trị kinh điển trước đó. Các thuốc đích hay được sử dụng tại Việt Nam là Gefitinib, Erlotinib, Afatinib, Osimertinib… Tuy nhiên, phương pháp này cũng gây ra một số các tác dụng phụ có thể làm gián đoạn điều trị và ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống người bệnh. Sau đây là một số tác dụng phụ thường gặp:
– Phản ứng da (gồm phát ban/ ngứa/khô da) thường xuất hiện ở 6 tuần đầu. Đây là triệu chứng thường gặp khi điều trị đích, đó là các nốt sần hoặc mụn mủ xuất hiện trên da hoặc niêm mạc kèm theo đau và ngứa. Vị trí thường gặp là đầu, mặt, ngực và lưng, đôi khi là nổi ban toàn thân. Đừng lo lắng nếu bạn gặp phải tác dụng phụ này, nếu bị nhẹ, bạn chỉ cần vệ sinh sạch sẽ bằng nước muối sinh lý hoặc các dung dịch sát khuẩn, sau đó sử dụng kem corticoid bôi tổn thương. Trong trường hợp nặng, xuất hiện mụn mủ, cần phải liên hệ với bác sĩ điều trị để có biện pháp xử lý kịp thời.
– Viêm quanh móng: Thường xảy ra muộn hơn so với nổi mẩn: từ 20 ngày đến 6 tháng sau khi được điều trị với EGFR TKIs. Bình thường, viêm quanh móng là tình trạng vô trùng nhưng rất dễ bị bội nhiễm. Khi bị viêm quanh móng, bạn cần tránh các sang chấn lên vùng bị tổn thương, ngâm tay, chân với các dung dịch sát khuẩn nhẹ: Nước muối sinh lý, dung dịch Betadin pha loãng hoặc nước chè xanh để nguội. Nếu có tình trạng nhiễm trùng (chảy mủ) cần phải báo với bác sĩ điều trị để xứ lý kịp thời
- Liệu pháp miễn dịch
Các thuốc miễn dịch hiện đang được sử dụng trong điều trị ung thư phổi là: Nivolumab, Pembrolizumab, Atezolimumab, Durvalumab. Hầu hết các tác dụng không mong muốn của liệu pháp miễn dịch xảy ra trong 12 tuần sau khi sử dụng thuốc. Đa số các tác dụng phụ này có thể hồi phục sau khi ngừng thuốc, điều trị bằng corticoid và chăm sóc hỗ trợ. Các thuốc ức chế điểm kiểm soát miễn dịch sẽ kích hoạt một phản ứng có thể dẫn đến đỏ, sưng hoặc đau (viêm) ở bất cứ đâu trong cơ thể. Nhiều tác dụng phụ sẽ biến mất khi kết thúc điều trị miễn dịch, nhưng một số tác dụng phụ có thể kéo dài nhiều tháng hoặc nhiều năm sau đó. Các tác dụng phụ sẽ phụ thuộc vào thuốc và cơ thể bạn phản ứng như thế nào. Trong khi một số người có tác dụng phụ nghiêm trọng, những người khác chỉ có một hoặc hai tác dụng phụ nhẹ. Liên hệ với bác sĩ điều trị kịp thời nếu gặp các tác dụng phụ nghiêm trọng.Sơ đồ dưới đây cho thấy các tác dụng phụ phổ biến và hiếm gặp của các liệu pháp miễn dịch.
Tóm lại, điều trị ung thư phổi gồm nhiều phương pháp kết hợp nên có tác dụng phụ đi kèm là điều khó tránh khỏi. Do đó, giảm các tác dụng phụ này là một phần quan trọng của chăm sóc ung thư. Điều quan trọng là bác sĩ phải theo dõi, phát hiện sớm cũng như người bệnh được khuyến khích bộc lộ những khó chịu này là nền tảng cơ bản để có thể quản lý và điều trị đạt hiệu quả toàn diện. Ngoài ra, trên tất cả là sự cảm thông, chia sẻ và sự quan tâm của những người thân yêu. Đó sẽ là nguồn sức mạnh vô giá cho bệnh nhân có thể chiến thắng các tác dụng phụ của điều trị.
Tài liệu tham khảo:
- Molassiotis A, Yates P, Yorke J. Editorial: Quality of Life and Side Effects Management in Lung Cancer Treatment. Front Oncol. 2021 Mar 5;11:651797.
- El-Turk, Nicole, Michael SH Chou, Natasha CH Ting, Afaf Girgis, Shalini K. Vinod, Victoria Bray, and Claudia C. Dobler. “Treatment burden experienced by patients with lung cancer.” PloS one16, no. 1 (2021): e0245492.
- Cancer Care Ontario. Non-small Cell Lung Cancer Treatment Pathway Map. 2019: Version 2019.05.
- Islam KM, Anggondowati T, Deviany PE, Ryan JE, Fetrick A, Bagenda D, Copur MS, Tolentino A, Vaziri I, McKean HA, Dunder S, Gray JE, Huang C, Ganti AK. Patient preferences of chemotherapy treatment options and tolerance of chemotherapy side effects in advanced stage lung cancer. BMC Cancer. 2019 Aug 27;19(1):835.
Nội dung: BS. Hồ Thái Vân
Chỉnh sửa và biên tập: TS. BS. Nguyễn Phạm Thanh Nhân