QUẢN LÝ VÀ CHĂM SÓC BỆNH NHÂN XẠ TRỊ UNG THƯ PHỔI

Xạ trị là việc sử dụng tia X năng lượng cao để có thể điều trị nhiều loại ung thư, đặc biệt khi u còn khu trú và nằm hoàn toàn trong trường chiếu. Xạ trị kết hợp với hóa trị và/ hoặc phẫu thuật trong ung thư phổi giúp tăng khả năng chữa khỏi và cho phép giới hạn phạm vi phẫu thuật hơn so với phẫu thuật đơn thuần. Trong xạ trị ung thư phổi, bệnh nhân sẽ được điều trị bởi một máy gia tốc tuyến tính (máy xạ) tạo ra các tia bức xạ chiếu vào cơ thể, phương pháp này còn được gọi là liệu pháp xạ ngoài (EBRT – External beam radiotherapy). Việc điều trị sẽ được các bác sĩ và kỹ sư vật lý phóng xạ lập kế hoạch cẩn thận và cá nhân hóa với từng bệnh nhân cụ thể.

Vai trò của xạ trị trong ung thư phổi

Tùy vào bệnh nhân cụ thể, xạ trị có thể đóng vai trò điều trị triệt căn, điều trị bổ trợ, điều trị dự phòng hay điều trị triệu chứng.

– Với mục đích triệt căn, xạ trị được thực hiện để tiêu diệt các tế bào ung thư và thu nhỏ khối u trong phổi của người bệnh. Triệt căn trong giai đoạn sớm khu trú tại chỗ tại vùng (giai đoạn I, II), tiến xa tại chỗ tại vùng (giai đoạn IIIA, IIIB, IIIC).

– Với mục đích điều trị bổ trợ, xạ trị giúp giảm nguy cơ tái phát tại chỗ, tại vùng.

– Với mục đích điều trị dự phòng, xạ trị thường được sử dụng để giảm tỉ lệ di căn não ở các bệnh nhân ung thư phổi thể tế bào nhỏ.

– Với mục đích điều trị giảm nhẹ, giảm triệu chứng, tăng chất lượng cuộc sống và kéo dài thời gian sống còn áp dụng cho giai đoạn bệnh tiến hoặc tái phát di căn (giai đoạn lV), xạ trị giúp giảm các khó chịu, đau đớn cho người bệnh

Điều trị xạ trị trong ung thư phổi theo nguyên tắc cá thể hóa từng bệnh nhân, cần cân nhắc tất cả các yếu tố:

– Bệnh lý: giai đoạn bệnh, diễn tiến sau các điều trị trước,…

– Bệnh nhân: thể trạng, tuổi, bệnh kèm theo, hoàn cảnh kinh tế – xã hội, nguyện vọng của bệnh nhân…

– Điều kiện trang thiết bị, nguồn lực của cơ sở y tế…

Quản lý các tác dụng phụ thường gặp trong xạ trị ung thư phổi

  1. Tác dụng phụ sớm

            Có thể xảy ra trong quá trình điều trị hoặc trong vài tuần sau khi kết thúc xạ trị và thường biến mất trong vòng 4 tuần. Thường gặp nhất là mệt mỏi và kiệt sức, đau họng hoặc khó nuốt, các thay đổi trên da, ho, buồn nôn và nôn

  1. Tác dụng phụ trung hạn

Có thể xảy ra vài tuần đến vài tháng sau khi xạ trị kết thúc

Viêm phổi do xạ trị (Radiation pneumonitis)

Là sự viêm cấp tính của phổi sau xạ khối u ác tính ở thành ngực, lồng ngực. Thường xảy ra từ 4 đến 12 tuần sau xạ, sớm nhất 1 tuần, hoặc trong vòng 6 tháng sau xạ. Các triệu chứng lâm sàng bao gổm ho dai dẳng, ho khan, không cơn kèm theo tức ngực, khó thở, đôi khi có sốt. Tác dụng phụ này thường gặp trên các bệnh nhân lớn tuổi, có tiền sử bệnh phổi kẽ từ trước hoặc xạ trị trước đó. Điều trị băng kháng viêm và thông khí hỗ trợ nếu viêm phổi nặng, kháng sinh thường ít có giá trị trừ khi có nhiễm trùng được ghi nhận.

Xơ phổi (pulmonary fibrosis – PF)

Xơ phổi xảy ra từ 6 đến 12 tháng sau xạ trị lồng ngực và có thể tiến triển trong vài năm. Phần lớn bệnh nhân không có triệu chứng và các biểu hiện lâm sàng chủ yếu liên quan đến các bệnh đi kèm, chẳng hạn như các rối loạn về phổi hoặc tim. Các triệu chứng bao gồm khó thở mạn tính (khi gắng sức hoặc khi nghỉ ngơi), ho khan và dai dẳng, mệt mỏi và sụt cân. Những tổn thương phổi thấy ở vùng được chiếu xạ nhưng cũng có thể xảy ra ở phần còn lại của phổi. Điều trị triệu chứng là mục tiêu chủ yếu vì các tổn thương xơ hóa rất khó có khả năng hồi phục.

Các biến chứng khác tại phổi

– Kích ứng màng phổi cấp tính gây đau ngực, thường được điều trị bằng thuốc giảm đau chống viêm.

– Kích ứng đường dẫn khí (khí quản, phế quản) gây ho, thường được điều trị bằng thuốc giảm ho.

– Các biến chứng muộn khác: ít gặp hẹp khí quản, hoại tử phế quản, xơ hóa trung thất với tổn thương thần kinh thanh quản quặt ngược.

Viêm thực quản do xạ trị (Radiation esophagitis)

Viêm thực quản do xạ trị là độc tính cấp tính cục bộ, phổ biến nhất của xạ trị ung thư phổi. Thường xảy ra từ 2 đến 4 tuần sau xạ (<12 tuần). Triệu chứng thường gặp là khó nuốt, buồn nôn, chán ăn, đau, nặng hơn có thể đẫn đến mất nước, suy dinh dưỡng, thiếu máu và sụt cân. Các triệu chứng của viêm thực quản thường xuất hiện trong vòng từ 1 đến 3 tháng kể từ khi bắt đầu hóa xạ trị. Sự hồi phục thường bắt đầu sau xạ trị 1 – 2 tuần. Thường sau 4 tuần, thực quản sẽ trở về bình thường. Tác dụng phụ này thường gặp trên các bệnh nhân có hóa trị cảm ứng làm tăng nhẹ nguy cơ, hóa xạ đồng thời làm tăng nguy cơ do tăng nhậy cảm bức xạ, bệnh nhân lớn tuổi, thể trạng gầy trước khi điều trị, có hạch N2 trở lên, giới tính nữ, hoặc có bệnh trào ngược dạ dày thực quản. Điều trị thường được sử dụng là tư vấn cho bệnh nhân thay đổi chế độ ăn, tránh ăn thực phẩm gây kích thích, bổ sung chất dinh dưỡng và điện giải, có thể dùng thêm thuốc giảm đau hoặc điều trị chống nấm dự phòng nếu cần thiết.

Đôi khi có thể gặp viêm thực quản muộn hoặc hẹp thực quản, xảy ra sau 6 tháng sau khi xạ trị, ít gặp hơn so với viêm thực quản cấp. Hoặc xạ trị cũng có thể dẫn đến xơ hóa dưới niêm mạc, teo niêm mạc hoặc loét, rò thực quản- phế quản. Nếu hẹp thực quản do xạ trị có thể được điều trị bằng nong nội soi

Tổn thương tim trong xạ trị ung thư phổi:

Xạ trị vào vùng ngực có thể làm tăng nguy cơ xuất hiện các vấn đề về tim trong tương lai. Điều này không phổ biến và có thể không xảy ra cho đến ít nhất 10 năm sau khi điều trị.

Kiểm soát các tác dụng không mong muốn trong xạ trị ung thư phổi

Các phương pháp điều trị ung thư có thể gây ra tổn thương cho các tế bào bình thường trong cơ thể và có thể gây ra các phản ứng phụ. Các bệnh nhân đều bị các phản ứng phụ khác nhau, và một số người sẽ gặp nhiều tác dụng phụ hơn những người khác.

Trước khi điều trị, bệnh nhân nên phối hợp tốt với bác sĩ để đánh giá được các nguy cơ tác dụng phụ trước điều trị để cân nhắc lựa chọn. Trong lập kế hoạch điều trị, cần tuân thủ các khuyến cáo chuyên môn, đặc biệt lưu ý liều hấp thụ của cơ quan nguy cấp. Theo dõi trong và sau điều trị nhằm phát hiện sớm tác dụng phụ để xử trí kịp thời. Cơ sở khám chữa bệnh quan tâm hiện đại hóa đồng bộ thiết bị xạ trị để có thể thực hiện được các kỹ thuật xạ trị tối ưu làm tăng hiệu quả và giảm tác dụng không mong muốn.

Trong quá trình điều trị hay ngay cả khi hoàn thành điều trị, bệnh nhân hãy nói với bác sĩ về bất kỳ tác dụng phụ nào khiến họ lo lắng. Tùy từng trường hợp, người bệnh có thể gặp một vài tác dụng phụ được liệt kê hoặc cũng có thể gặp một số tác dụng phụ chưa được liệt kê. Khi lo lắng về bất kỳ tác dụng phụ nào, bệnh nhân nên liên hệ ngay với bác sĩ điều trị và làm theo hướng dẫn. Hãy cho bác sĩ biết nếu bạn gặp khó khăn trong việc kiểm soát bất kỳ triệu chứng nào được liệt kê ở trên.

Tài liệu tham khảo

  1. Feng-Ming (Spring) Kong and Shulian Wang. Non-dosimetric risk factors for radiation-induced lung toxicity. Seminars in Radiation Oncology, Volume 25, Issue 2, April 2015, Pages 100-109.
  2. Jain V, Berman AT. Radiation pneumonitis: old problem, new tricks. Cancers (Basel). 2018; 10 (7): 1.
  3. Baden LR, Prevention and Treatment of Cancer-Related Infections, Version 2.2016, NCCN Clinical Practice Guidelines in Oncology.J Natl Compr Canc Netw. 2021; 14 (7): 882–913.
  4. Lukas Käsmann. Radiation-induced lung toxicity – cellular and molecular mechanisms of pathogenesis, management, and literature review. Radiation Oncology volume 15, Article number: 214 (2020).
  5. Hướng dẫn điều trị ung thư phổi không tế bào nhỏ. Bộ Y tế 2018.

Nội dung: ThS. BS. Nguyễn Thị Hằng       Chỉnh sửa: ThS. BS. Phan Vĩnh Sinh

Biên tập: TS. BS. Nguyễn Phạm Thanh Nhân