Hội nghị đào tạo lần thứ 5 “Cải thiện kết cục cho phụ nữ ung thư Cổ tử cung ở các quốc gia có thu nhập thấp và trung bình”

Hội nghị đào tạo “Cải thiện kết cục cho phụ nữ ung thư Cổ tử cung ở các quốc gia có thu nhập thấp và trung bình” lần thứ 5 được Liên minh Ung thư phụ khoa – mạng lưới nghiên cứu Ung thư cổ tử cung (GCIG-CCRN) phối hợp với Bệnh viện Ung bướu Đà Nẵng tổ chức. Đây là sự kiện quan trọng trong hoạt động nghiên cứu, triển khai và ứng dụng các thử nghiệm lâm sàng vào việc điều trị ung thư cổ tử cung nhằm cải thiện chất lượng và thời gian sống còn cho phụ nữ mắc bệnh ung thư cổ tử cung – một căn bệnh hiện đang là nguyên nhân gây tử vong xếp thứ 4 ở phụ nữ (theo thống kê của Globocan 2020).

 

Hội nghị đào tạo GCIG-CCRN được tổ chức thường niên tại các quốc gia có thu nhập thấp và trung bình. Bệnh viện Ung bướu Đà Nẵng là nơi được tin tưởng lựa chọn tổ chức hội nghị lần thứ 5 với chủ đề về “Cải thiện kết cục cho phụ nữ Ung thư Cổ tử cung ở các quốc gia có thu nhập thấp và trung bình” diễn ra vào 25-26 tháng 2 năm 2023 tại Đà Nẵng sau ba lần bị trì hoãn do đại dịch Covid – 19.

Bác sĩ CKII. Trần Tứ Quý – Giám đốc Bệnh viện phát biểu khai mạc Hội nghị

Với sứ mệnh thúc đẩy và tạo điều kiện thuận lợi cho các thử nghiệm lâm sàng chất lượng cao nhằm cải thiện kết quả cho phụ nữ bị ung thư cổ tử cung, GCIG-CCRN đã mang đến hội nghị gần 30 bài báo cáo khoa học với đa dạng chủ đề về phẫu thuật, hóa trị, xạ trị, nghiên cứu và thử nghiệm lâm sàng trong ung thư CỔ TỬ CUNG từ các chuyên gia ung thư phụ khoa, nhà nghiên cứu quốc tế hàng đầu từ Canada, Pháp, Singapore, Nhật Bản, Hàn Quốc, Ấn Độ, Hà Lan, Úc. Tham gia Hội nghị lần thứ 5 có 123 đại biểu và báo cáo viên, trong đó có 28 đại biểu và báo cáo viên là chuyên gia nước ngoài.

Tại hội nghị, Bác sĩ CKII Trần Tứ Quý – Giám đốc Bệnh viện Ung bướu Đà Nẵng đã có bài phát biểu bày tỏ tầm quan trọng, ý nghĩa to lớn và trân trọng các giá trị mà GCIG-CCRN mang lại. Bác sĩ David Tan – chủ tịch Mạng lưới nghiên cứu Ung thư cổ tử cung (CCRN) đã trình bày tổng quan về hiện trạng ung thư CỔ TỬ CUNG hiện nay trên toàn thế giới cũng như sứ mệnh và tầm nhìn của GCIG CCRN, góp nhần cải thiện kết cục cho phụ nữ ung thư cổ tử cung, hướng tới loại trừ bệnh lý ung thư CỔ TỬ CUNG vào năm 2030. Mục tiêu Hội nghị lần này bao gồm:

  • Đào tạo và hướng dẫn trong ung thư phụ khoa
  • Phát triển nghiên cứu tại các nước thu nhập thấp và trung bình
  • Đánh giá tác động của các kỹ thuật xạ trị tiên tiến lên khả năng sống còn của bệnh nhân Ung thư.
  • Đánh giá hiệu quả của các liệu pháp toàn thân và miễn dịch trong ung thư CỔ TỬ CUNG
  • Thảo luận ca lâm sàng tại hội đồng u và workshop chuyên đề về xạ trị và phẫu thuật

Theo đó, trong phiên họp toàn thể diễn ra ngày 25 các báo cáo viên tại Hội nghị đã có các bài báo cáo về:

  • Thử nghiệm lâm sàng hiện tại và mới của GCIG-CCRN được báo cáo trong Hội nghị bao gồm:
  • TACO (Sử dụng Cisplatin mỗi 3 tuần trong UT cổ tử cung tiến xa tại vùng) INTERLACE (Kết hợp hoá trị với hoá xạ đồng thời so với Hoá xạ đồng thời đơn thuần trong UT cổ tử cung tiến xa tại vùng)
  • SHAPE (So sánh Cắt tử cung tận gốc, nạo hạch và cắt tử cung đơn giản, nạo hạch trong UT cổ tử cung giai đoạn sớm, nguy cơ thấp)
  • SENTICOL (Sinh thiết hạch hác trong UT cổ tử cung)
  • CONTESSA (Hoá trị tân bổ trợ trước PT bảo tồn khả năng sinh sản trong UT cổ tử cung
  • DEBULK: PT giảm khối hạch di căn trong UT cổ tử cung giai đoạn IIIcr
  • PAROLA: Nạo hạch chủ trong UT cổ tử cung tiến xa tại vùng
  • Xạ trị hiện đại và tác động của phương pháp này đối với thời gian sống của bệnh nhân.

Đặc biệt, trong buổi chiều cùng ngày, hội nghị đã chia làm 2 nhóm workshop thảo luận về kỹ thuật xạ trị và Sinh thiết hạch gác, cụ thể:

  • Thực hành xạ trị áp sát dưới hướng dẫn hình ảnh; Lập kế hoạch xạ; Đánh giá kế hoạch.
  • Kỹ thuật sinh thiết hạch gác; Kết quả thử nghiệm; Thử nghiệm DEBULK.

Ngoài ra, tại hội nghị, tổ chức Assist cũng đã phối hợp với BVUB Đà Nẵng tổ chức buổi trao đổi thông tin khái quát về dự án Active “Nâng cao năng lực về điều trị Ung thư cổ tử cung tại Việt Nam”

Trong phiên họp ngày thứ 2, Hội nghị chú trọng vào các nghiên cứu ở các quốc gia có thu nhập thấp; các thách thức trong nghiên cứu thử nghiệm lâm sàng về ung thư cổ tử cung tại Việt Nam; Liệu pháp miễn dịch và liệu pháp toàn thân trong điều trị ung thư cổ tử cung.

Hội nghị đào tạo lần thứ 5 “Cải thiện kết cục cho phụ nữ ung thư Cổ tử cung ở các quốc gia có thu nhập thấp và trung bình” là một sự kiện khoa học quan trọng không chỉ đối với bệnh viện Ung bướu Đà Nẵng mà còn có ý nghĩa lớn đối với việc thúc đẩy nghiên cứu, triển khai và ứng dụng các kỹ thuật hiện đại trên thế giới, phù hợp với nền kinh tế, văn hóa và địa lý của Việt Nam, nhằm hướng tới mục tiêu xóa bỏ ung thư cổ tử cung trong tương lai. Đặc biệt, Hội nghị là cơ hội để các nghiên cứu viên trẻ trong nước được giao lưu và học hỏi từ các chuyên gia quốc tế hàng đầu trong lĩnh vực nghiên cứu khoa học và thực hành lâm sàng.

Một số hình ảnh trong Hội nghị

 

GCIG-CCRN là Mạng lưới Nghiên cứu Ung thư phụ khoa quốc tế (Gynecologic Cancer InterGroup (GCIG) Cervix Cancer Research Network (CCRN)) thành lập từ năm 2012 với mục tiêu chính là mở rộng các nghiên cứu lâm sàng quốc tế ra khỏi châu Âu, châu Mỹ, hướng tới sự phù hợp ở các nước có thu nhập thấp và trung bình, nhưng vẫn đảm bảo sự đa dạng trong nghiên cứu lâm sàng và tiếp cận các công nghệ mới. Xây dựng sự tin tưởng thông qua các nghiên cứu nhằm thảo luận với các nhà hoạch định chính sách để triển khai các kỹ thuật mới cho người dân.