U Lympho không Hodgkin (hay còn gọi là ung thư hạch) là một nhóm bệnh không đồng nhất liên quan đến tình trạng tăng sinh đơn dòng ác tính của các tế bào lympho ở các vị trí mô lưới hạch bạch huyết, bao gồm các hạch bạch huyết, tủy xương, lách, gan và đường tiêu hóa. Trong cơ thể, hệ bạch huyết có nhiệm vụ bảo vệ và chống lại những tác nhân gây bệnh tật và nhiễm trùng. Vì vậy, chế độ dinh dưỡng cho những bệnh nhân ung thư, nhất là bệnh nhân U Lympho không Hodgkin cần phải tuân thủ một chế độ dinh dưỡng hợp lý.
- CHẾ ĐỘ DINH DƯỠNG CHO NGƯỜI BỆNH
- Mục tiêu: là ngăn chặn hoặc phục hồi sự thiếu hụt dinh dưỡng, bảo tồn khối lượng nạc cơ thể, làm giảm thiểu các tác dụng phụ liên quan dinh dưỡng và nâng cao chất lượng cuộc sống.
2.Nguyên tắc:
– Duy trì cân nặng hợp lý với BMI trong khoảng 20-23 (25).
– Năng lượng: 25-30 kcal/kg CNLT/ngày
– Đạm: 1 – 1,5 g/kg CNLT/ngày.
– Chất béo: 15-25% năng lượng khẩu phần.
– Vitamin và khoáng chất như người bình thường. Ăn nhiều loại hoa quả và rau (ít nhất 300gam/ngày).
2.1. Thực phẩm nên dùng
– Các loại thịt (thịt đỏ và thịt trắng), cá, trứng, sữa, tôm, cua….
– Gạo, miến, bún, phở, mỳ, các loại khoai củ…
– Dầu thực vật (dầu đậu nành, dầu lạc, dầu vừng…)
– Ăn nhiều rau xanh, quả chín, rau thơm, và rau quả nhiều chất xơ. Mỗi ngày nên ăn 400 – 500g rau, 200 – 400g quả chín.
– Tăng cường bổ sung thực phẩm chứa nhiều omega-3: Cá hồi, dầu oliu… hoặc trong sữa dành cho người bệnh ung thư.
– Sử dụng các thực phẩm giàu vitamin E, C, A, Selen có khả năng chống oxy hóa như: cà rốt, giá đỗ xanh, cà chua, rau ngót, rau muống…
2.2 Thực phẩm hạn chế dùng
– Các thực phẩm chứa nhiều axit béo như: các món thịt nướng, thịt hun khói, các món xào, rán, quay, các loại bánh như bánh chả…
– Các thực phẩm chế biến công nghiệp, đóng gói sẵn như: đồ hộp, thịt nguội.
– Hạn chế uống nước chè ban đêm (nên uống nước chè ban ngày).
2.3. Thực phẩm không nên dùng
– Dầu mỡ rán đi rán lại nhiều lần.
– Thực phẩm muối lên men: thịt muối, dưa muối, cà muối…
– Các loại thức ăn bị nấm mốc như: lạc mốc, đỗ đậu mốc, hạt bí, hạt dưa rang sẵn bị mốc…
- CÁC VẤN ĐỀ CẦN CHĂM SÓC TRONG QUÁ TRÌNH ĐIỀU TRỊ.
- Mệt mỏi: do nhiều nguyên nhân bao gồm sau hóa xạ trị, ghép tủy xương; tác dụng phụ của thuốc; ăn chưa đủ, thiếu ngủ, trầm cảm, lo âu, nằm lâu môi trường bệnh viện,…
– Hãy uống đủ nước, thiếu nước có thể làm cho triệu chứng mệt mỏi trầm trọng hơn.
– Thư giản: đi dạo, ngồi thiền, cầu nguyện, xem hình ảnh, đọc sách yêu thích để giảm căng thẳng.
– Đảm bảo ngủ đủ giấc.
– Hãy nhờ người thân và bạn bè giúp đỡ khi bạn mệt mỏi. Họ có thể giúp bạn làm việc nhà hoặc chở bạn đến bệnh viện. Họ cũng có thể giúp bạn đi mua thức ăn, nấu ăn,..
- Chán ăn:
– Hãy ăn làm nhiều bữa trong ngày. VD: 6 bữa nhỏ thay vì 3 bữa lớn.
– Ăn thức ăn mềm, mát, ăn theo sở thích nhưng lựa chọn thực phẩm tươi ngon, giàu đạm, giàu năng lượng như sữa chua, phô mai,..
– Luôn có sẵn đồ ăn nhẹ như bánh quy, các loại hạt, granola, hoặc trái cây sấy khô… khi bạn đi ra ngoài.
– Chuẩn bị các thực phẩm có hương vị và cách trình bày, chế biến hấp dẫn, đa dạng như bạn có thể làm sinh tố thay cho ăn một miếng trái cây,..
– Ăn cùng với mọi người thay vì ăn một mình để tránh cảm giác cô đơn, chán ăn.
Chỉ nhâm nhi nhưng ngụm nhỏ chất lỏng trong bữa ăn. Nhiều người cảm thấy quá no nếu ăn và uống cùng một lúc.
- Thay đổi vị giác: Thực phẩm có thể có ít mùi vị hơn hoặc một số loại thực phẩm (như thịt) có thể bị đắng hoặc có vị như kim loại. Khứu giác của bạn cũng có thể thay đổi, đôi khi thức ăn từng có mùi bạn thích nhưng trong giai đoạn này bạn đột nhiên không thích. Hãy thực hiện những cách sau:
– Giữ miệng luôn sạch sẽ như súc miệng, đánh răng, dùng chỉ nha khoa. Hãy khám và chăm sóc Bác sĩ nha khoa để tránh trường hợp mùi từ răng miệng của bạn.
– Chọn thực phẩm có hình thức và mùi thơm. Thử ăn cam, quýt, nho, nhưng trừ khi bạn bị viêm miệng, đau họng.
– Ăn các bữa ăn nhẹ vài lần trong ngày.
– Thịt thường có vị đắng, hãy thay thế bằng thịt gà, cá trứng, phô mai
– Làm cho thức ăn ngọt hơn. Nếu thức ăn có vị mặn, đắng, thêm đường hoặc chất làm ngọt để làm cho chúng ngọt ngào như các loại mứt, sốt ăn kèm.
– Trao đổi với bác sĩ, điều dưỡng hoặc chuyên gia dinh dưỡng. Họ có thể cho bạn uống thêm vitamin hoặc thực phẩm bổ sung dinh dưỡng (như có loại thức uống có hàm lượng protein cao).
- Táo bón: xảy ra khi nhu động ruột trở nên ít thường xuyên hơn và phân trở nên cứng, khô. Thường gặp sau hóa trị, vị trí ung thư, thuốc giảm đau và các loại thuốc khác hoặc có thể xảy ra khi bạn không uống đủ chất lỏng hoặc không ăn đủ chất xơ, không hoạt động vận động.
– Uống nhiều nước, đặc biệt các loại nước ép hoa quả hoặc tiệt trùng tự làm.
– Ăn tăng lượng chất xơ như hoa quả, rau và ngũ cốc nguyên hạt.
– Tăng cường vận động thể chất nhẹ nhàng như đi bộ,…
- Buồn nôn/Nôn: xảy ra khi bạn cảm thấy khó chịu hoặc đau bụng. Buồn nôn có thể khiến bạn không nhận được thực phẩm và chất dinh dưỡng bạn cần.
– Ăn thức ăn dễ tiêu, mềm hoặc đồ ăn khô như báng quy, bánh mỳ nướng,..
Không bỏ bữa ăn và bữa ăn nhẹ. Ngay cả khi bạn không cảm thấy đói, bạn vẫn nên ăn. Đối với nhiều người, dạ dày trống rỗng khiến tình trạng buồn nôn trở nên tồi tệ hơn.
– Chuẩn bị thức ăn không quá nóng cũng không quá lạnh.
– Nghỉ ngơi sau bữa ăn, không đồng nghĩa việc nằm sau khi ăn. Hãy Ngồi hoặc kê cao đầu (45- 60 độ) trong khoản 01 giờ sau ăn.
– Súc miệng trước và sau khi ăn.
– Tránh ăn quá nhanh, quá no, đồ ăn nhiều dầu mỡ, cay nóng.
- Giảm số lượng bạch cầu: Khi bạch cầu giảm càng sâu, bạn có nguy cơ bị nhiễm trùng càng cao. Nhiễm trùng có thể xuất hiện ở bất cứ bộ phận nào trong cơ thể, có thể ảnh hưởng đến đường thở, hệ tiêu hóa, bàng quang, hệ sinh sản, da…
– Ăn chín uống sôi tuyệt đối
– Hạn chế ăn ngoài quán. Nếu có, chọn quán sạch, chế biến ngay sau khi gọi món, đảm bảo dùng đũa muỗng sạch.
– Chỉ uống sữa được tiệt trùng, không uống sữa thanh trùng.
– Thường xuyên rửa tay với xà phòng và nước. Luôn luôn rửa tay trước khi ăn hoặc nấu ăn và sau khi đi vệ sinh, xì mũi, ho hoặc sau khi chạm vào thú vật. Mang theo chai nước rửa tay nhanh khi gần bạn không có xà phòng và nước.
– Vệ sinh cẩn thận sau khi đi đại tiện. Thay vì dùng giấy vệ sinh, bạn nên dùng giấy ướt cho em bé hoặc vòi xịt để vệ sinh.
– Tránh những nơi đông người, đặc biệt là người bị các bệnh truyền nhiễm như sởi, thủy đậu, cúm.
- TÀI LIỆU THAM KHẢO
- Bộ Y tế- Viện Dinh dưỡng: Dinh dưỡng lâm sàng. Nhà xuất bản y học,2018.
- Bộ Y tế (2022): Hướng dẫn chẩn đoán và điều trị một số bệnh lý huyết học.
- National Cancer institute – Eating Hints: Before, During, and After Cancer Treatment, 2011.