BỆNH LÝ THẦN KINH NGOẠI VI DO HÓA TRỊ TRONG UNG THƯ

Bệnh lý thần kinh ngoại biên do hóa trị (Chemotherapy-induced peripheral neuropathy) (viết tắt là CIPN) là một trong những tác dụng phụ thường gặp nhất do thuốc chống ung thư gây ra, với tỷ lệ hiện mắc từ 19% đến hơn 85%. Về mặt lâm sàng, CIPN là một bệnh lý thần kinh cảm giác chủ yếu có thể đi kèm với những thay đổi về vận động và tự chủ với cường độ và thời gian khác nhau. Do tỷ lệ mắc bệnh cao ở bệnh nhân ung thư khi có hoá trị, CIPN tạo thành một vấn đề lớn đối với cả bệnh nhân ung thư và cả nhân viên y tế, đặc biệt là điều trị hội chứng này rất là rất khó khăn và hạn chế.

Các triệu chứng của CIPN là gì?

Các triệu chứng của CIPN có thể khiến bệnh nhân cảm thấy như tay hoặc chân đang ngủ (tê) hoặc bị kim châm (ngứa ran). Đôi khi, bệnh nhân có thể cảm thấy như bị bỏng, bị bắn hoặc đau như bị điện giật ở tay hoặc chân. Các triệu chứng CIPN xảy ra do một số loại hóa trị liệu có thể làm hỏng dây thần kinh ngoại vi, là dây thần kinh ở xa não nhất, chẳng hạn như ở bàn tay và bàn chân của người bệnh. Tổn thương dây thần kinh ngoại biên này được cho là nguyên nhân gây ra CIPN.

Ai có nguy cơ bị CIPN?

CIPN ảnh hưởng đến khoảng 68 phần trăm ở những bệnh nhân ung thư khi dùng thuốc hóa trị gây độc thần kinh, chẳng hạn như paclitaxel, docetaxel, oxaliplatin, cisplatin, carboplatin, vincristine, bortezomib và thalidomide. Các thuốc này được sử dụng ở nhiều loại ung thư khác nhau như ung thư vú, buồng trứng, ung thư đường tiêu hoá, phổi, xương và máu (như ung thư hạch hoặc bệnh bạch cầu),… ung thư đường tiêu hóa dùng oxaliplatin cũng dễ bị cảm lạnh ở vùng mặt, cổ họng và tay. CIPN ít phổ biến hơn ở những người dùng carboplatin hoặc hóa trị liệu không gây độc thần kinh khác.

Nguy cơ phát triển CIPN tăng lên sau mỗi lần truyền hóa trị liệu. Các triệu chứng của CIPN có thể bắt đầu ngay sau lần truyền đầu tiên. Thông thường, các triệu chứng CIPN nghiêm trọng nhất trong tuần đầu tiên sau khi truyền hóa chất và sau đó bắt đầu giảm dần. Mặc dù các triệu chứng CIPN sẽ giảm sau khi hoàn thành tất cả các chu kỳ hóa trị, nhưng một số bệnh nhân vẫn bị CIPN kéo dài hàng tháng hoặc thậm chí hàng năm sau khi quá trình điều trị hóa trị kết thúc. Nguy cơ phát triển CIPN cao hơn nếu bệnh nhân đã mắc các bệnh thần kinh do các nguyên nhân khác, chẳng hạn như bệnh tiểu đường, trước khi bắt đầu hóa trị. Một số yếu tố lối sống cũng có thể làm tăng nguy cơ của CIPN chẳng hạn như hút thuốc, uống nhiều rượu, không bổ sung đủ vitamin trong chế độ ăn uống và thiếu hoạt động thể chất.

CIPN ảnh hưởng đến tngười bệnh như thế nào?

Sau vài chu kỳ hóa trị có các thuốc ảnh hưởng đến thần kinh, CIPN có thể xảy ra và ảnh hưởng đến các hoạt động thông thường của bệnh nhân với các mức độ khác  nhau. Tê, ngứa ran và đau là phổ biến nhất,  các triệu chứng khác của CIPN, chẳng hạn như yếu cơ và chuột rút, cũng có thể xảy ra. Các triệu chứng CIPN có thể gây khó khăn khi viết, leo cầu thang, cầm nĩa hoặc dao, chơi thể thao hoặc thực hiện các hoạt động khác mà không bị vấp hoặc ngã.

Phòng ngừa và điều trị CIPN như thế nào?

Hiện tại, không có loại thuốc đặc hiệu nào để ngăn ngừa CIPN được biết đến. Nếu CIPN bắt đầu cản trở các hoạt động hàng ngày thông thường của người bệnh, bác sĩ có thể giảm liều hóa trị liệu gây ra bệnh thần kinh. Đối với CIPN kéo dài và gây đau đớn, duloxetine (Cymbalta) có thể giúp giảm bớt các triệu chứng của người bệnh, đặc biệt nếu CIPN là do paclitaxel hoặc oxaliplatin gây ra. Ngoài ra, có thể sử dụng một số thuốc giảm đau thần kinh khác như gabapentin hoặc pregabalin.

Nhiều nghiên cứu cũng cho thấy hiệu quả đáng kể của các phương pháp điều trị không dùng thuốc có thể giúp giảm CIPN. Các phương pháp điều trị này bao gồm tập thể dục, liệu pháp thư giãn tâm trí như thiền, tập yoga, xông hơi, kích thích dây thần kinh bằng điện và châm cứu.

Các biện pháp phòng ngừa nào nếu người bệnh bị CIPN?

Khi bệnh nhân xảy ra các triệu chứng CIPN với mức độ nào, thì các thay đổi cảm giác ở bàn tay hoặc bàn chân đều có thể khiến người bệnh dễ bị chấn thương hơn. Do không thể cảm nhận được mặt đất dưới chân, nhiệt độ nóng hoặc lạnh hoặc các vật sắc nhọn.

Dưới đây là một số hướng dẫn an toàn quan trọng khi có CIPN.

Để tránh vấp phải đồ vật khi giảm cảm giác ở dưới chân:

  • Sử dụng đèn ngủ hoặc các loại đèn khác khi thức dậy đi lại vào ban đêm.
  • Sử dụng thảm chống trượt trong nhà.
  • Tránh hoặc hết sức thận trọng khi đi bộ trên bề mặt không bằng phẳng.

Để tránh bị bỏng, lạnh cóng hoặc đứt tay hoặc chân:

  • Đeo găng tay khi xử lý vật liệu nóng hoặc sắc.
  • Giữ ấm bàn tay và bàn chân khi làm việc với các vật lạnh hoặc ở ngoài trời lạnh.
  • Mang giày vừa vặn, che phủ hoàn toàn đôi chân.
  • Thường xuyên kiểm tra bàn tay và bàn chân xem có bị thương không. Người bệnh có thể không cảm thấy khi tay hoặc chân bị cắt hoặc trầy xước. Nếu những loại chấn thương này không được điều trị đúng cách, chúng có thể dẫn đến nhiễm trùng hoặc các biến chứng khác.

Điều quan trọng nhất khi nhận thấy các triệu chứng CIPN là báo với bác sĩ hoặc điều dưỡng. Bác sĩ phải biết về các triệu chứng CIPN càng sớm càng tốt, ngay cả khi các triệu chứng chưa gây khó chịu, để có thể theo dõi và kiểm soát CIPN trước khi các triệu chứng trở nên quá khó chịu. CIPN có thể là một tác dụng phụ đáng lo ngại của hóa trị liệu, nhưng các triệu chứng có thể được kiểm soát nếu giải quyết chúng sớm và thường xuyên.

 

TÀI LIỆU THAM KHẢO

  1. Carozzi V.A., Canta A., Chiorazzi A. Chemotherapy-induced peripheral neuropathy: What do we know about mechanisms? Neurosci. Lett. 2015;596:90–107. doi: 10.1016/j.neulet.2014.10.014.
  2. Sittl R., Lampert A., Huth T., Schuy E.T., Link A.S., Fleckenstein J., Alzheimer C., Grafe P., Carr R.W. Anticancer drug oxaliplatin induces acute cooling aggravated neuropathy via sodium channel subtype Na(V)1.6-resurgent and persistent current. Proc. Natl. Acad. Sci. USA. 2012;109:6704–6709. doi: 10.1073/pnas.1118058109.
  3. Cioroiu C., Weimer L.H. Update on Chemotherapy-Induced Peripheral Neuropathy. Curr. Neurol. Neurosci. Rep. 2017;17:47. doi: 10.1007/s11910-017-0757-7
  4. Banach M., Juranek J.K., Zygulska A.L. Chemotherapy-induced neuropathies—A growing problem for patients and health care providers. Brain Behav. 2016;7:e00558. doi: 10.1002/brb3.558.
  5. Hershman D.L., Lacchetti C., Dworkin R.H., Lavoie-Smith E.M., Bleeker J., Cavaletti G., Chauhan C., Gavin P., Lavino A., Lustberg M.B., et al. Prevention and management of chemotherapy-induced peripheral neuropathy in survivors of adult cancers: American Society of Clinical Oncology clinical practice guideline. J. Clin. Oncol. 2014;32:1941–1967. doi: 10.1200/JCO.2013.54.0914.
  6. Wu B.Y., Liu C.T., Su Y.L., Chen S.Y., Chen Y.H., Tsai M.Y. A review of complementary therapies with medicinal plants for chemotherapy-induced peripheral neuropathy. Complement. Ther. Med. 2019;42:226–232. doi: 10.1016/j.ctim.2018.11.022.

Bác sĩ Nguyễn Văn Hóa