Bác sĩ Phan Thị Hồng Ngọc vinh dự được chọn là Đại sứ quốc gia của Hiệp hội u nhú quốc tế (IPVS)

Trên thế giới, Ung thư cổ tử cung là loại ung thư phổ biến thứ tư ở phụ nữ, có khoảng 604.000 ca mắc mới và 342.000 ca tử vong vào năm 2020. Trong đó, có khoảng 90% ca mắc mới và tử vong xảy ra ở các quốc gia có thu nhập thấp và trung bình.

Ở các quốc gia có thu nhập thấp và trung bình, khả năng tiếp cận các biện pháp phòng ngừa còn hạn chế và ung thư cổ tử cung thường được phát hiện muộn khi bệnh đã tiến triển nặng và đã di căn. Ngoài ra, khả năng tiếp cận các phương pháp điều trị bị hạn chế, dẫn đến tỷ lệ tử vong do ung thư cổ tử cung cao hơn ở những quốc gia này.

Tổ chức IPVS (Hiệp hội Papillomavirus quốc tế) là một tổ chức quốc tế chuyên nghiên cứu và giảng dạy về virus HPV (Human Papillomavirus) và các bệnh liên quan. IPVS được thành lập năm 1982 và đã trở thành một tổ chức uy tín, có tầm ảnh hưởng trên thế giới trong lĩnh vực này.

IPVS là nơi tập hợp các chuyên gia hàng đầu trong lĩnh vực HPV và ung thư Cổ tử cung. Qua công tác nghiên cứu và giảng dạy, IPVS đã đóng góp quan trọng vào việc nâng cao nhận thức và cải thiện chăm sóc sức khỏe cho người bị nhiễm HPV và tư vấn các bệnh liên quan.

Tại Việt Nam, Bác sĩ Phan Thị Hồng Ngọc vinh dự được chọn là 1 trong 23 đại sứ quốc gia của Hiệp hội u nhú quốc tế (IPVS) tại các quốc gia có thu nhập thấp và trung bình (LMICs). Sứ mệnh của các đại sứ quốc gia là góp phần nâng cao nhận thức trên toàn cầu về virus HPV và các bệnh lý liên quan cũng như các biện pháp phòng HPV, góp phần đẩy lùi và xóa bỏ các bệnh lý liên quan HPV như Ung thư cổ tử cung. Đồng thời, các đại sứ quốc gia IPVS góp phần tăng cường sự kết nối, hợp tác giữa các địa phương trong cùng một quốc gia và giữa các quốc gia trong các vấn đề liên quan loại trừ virus HPV trên toàn cầu thông qua các chương trình mở rộng mạng lưới thành viên, tiếp cận các chương trình đào tạo, truyền thông, hội nghị cập nhật kiến thức do Hiệp hội IPVS tổ chức.